Việc Việt Nam trở thành một nước có thu nhập trung bình khiến chúng ta không còn nhận được những khoản vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế nữa.
Ảnh minh họa. |
GDP của Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi trong 8 năm qua, thuộc hàng cao nhất tại Đông Nam Á. Kết quả là Việt Nam bây giờ sẽ không còn được nhận tài trợ phát triển từ các tổ chức quốc tế với mức lãi suất ưu đãi.
Từ cuối tháng 6 vừa qua, Việt Nam đã không còn nhận được hầu hết những ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới (WB). Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã thay đổi xếp hạng các khoản vay dành cho Việt Nam sang mức “hỗn hợp” (blend), thay vì là những khoản vay rẻ nhất như trước đây. Khi nguồn vốn hỗ trợ giá rẻ giảm dần, Việt Nam sẽ cần phải chuyển sang tăng huy động vốn từ kênh thị trường trái phiếu của các nước mới nổi, vốn nhận được sự chú ý đặc biệt từ các nhà đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây.
Sebastian Eckardt, kinh tế gia trưởng của WB tại Hà Nội, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng: "Đây là một dấu hiệu rõ ràng về thành tựu kinh tế đáng kể của Việt Nam, khi nước này trở thành một nước có thu nhập trung bình. Nhu cầu tài chính của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, và các nguồn vốn tài trợ chính thức sẽ là không đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển. Vì vậy, Việt Nam sẽ phải chuyển sang huy động từ thị trường vốn".
Nguồn vốn ODA ròng hỗ trợ cho Việt Nam qua các năm. Ảnh Bloomberg |
Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính Đối ngoại của Bộ Tài chính, Việt Nam bây giờ tập trung gọi vốn từ thị trường trái phiếu bằng VNĐ. Ông Long nói thêm thị trường trái phiếu nội đia có thể đáp ứng nhu cầu vốn "ở thời điểm hiện tại ". Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài cũng dự đoán Việt Nam sẽ tăng phát hành trái phiếu quốc tế trong thời gian tới.
Theo số liệu của Bloomberg, khoảng 70% lượng trái phiếu đang lưu hành (vốn có tổng trị giá 13,2 tỷ USD) là được phát hành bằng Việt Nam Đồng, với phần còn lại là bằng USD. Lần phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế gần nhất là vào tháng 11/2014, khi chính phủ Việt Nam bán được một lượng lớn trái phiếu kì hạn 10 năm với lợi suất 4,8%, thu về 1 tỷ USD.
Mark Baker, giám đốc đầu tư của bộ phận trái phiếu thị trường mới nổi tại Standard Life Investment, cho biết: “Việt Nam có thể sẽ dựa nhiều hơn vào thị trường trái phiếu nước ngoài trong thời gian tới."
Baker cho biết tháng trước rằng ông đã bán lượng trái phiếu phát hành bằng USD đáo hạn năm 2024 khi đạt được mức sinh lời như kì vọng, nhưng giữ lại lượng trái phiếu đáo hạn năm 2020, vốn có lãi suất coupon cao hơn là 6,75%.
Trái phiếu của Việt Nam được xếp hạng gần mức “rác” (junk) bởi cả 3 dịch vụ xếp hạng tín dụng lớn, khiến cho lợi suất trái phiếu của Việt Nam cao hơn so với trái phiếu phát hành bởi các quốc gia Đông Nam Á khác, như Indonesia và Philippines, vốn được đánh giá là ở mức đầu tư (investment grade).
Đến năm 2020, Việt Nam sẽ nhận được khoảng 45 tỷ USD tổng vốn hỗ trợ phát triển (tính từ năm 2005), theo thống kê của Bộ Tài chính. Vài điểm mấu chốt về nguồn vốn hỗ trợ chính thức từ nước ngoài bao gồm:
- Trước năm 2010, thời hạn trả nợ bình quân cho các khoản vay là 30-40 năm, với chi phí đi vay từ 0,7% và 0,8%/năm và có thời gian ân hạn.
- Các điều khoản trở nên khắt khe hơn khi GDP tăng lên, và trong giai đoạn 2011-2015 lãi suất đã tăng lên mức 2%, thời gian hoàn trả từ 10 đến 20 năm.
- Việc không còn được ưu đãi đã đẩy lên lãi suất các khoản vay hiện tại lên 3,5% và thời hạn trả nợ giảm còn một nửa.
Cùng với việc gõ cửa các thị trường vốn, Việt Nam có lẽ cũng sẽ xem xét việc bán tài sản và cải cách thuế. Đó là nhận định của ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital Group. Ông nói thêm: "Việt Nam có thể đi vay tại các thị trường quốc tế, nhưng nếu vay mượn quá nhiều thì sẽ rất nguy hiểm.” Nói về việc Việt Nam không còn được nhận ưu đãi, ông Ho cho rằng “điều này là tích cực vì nó chứng tỏ Việt Nam đã phát triển tốt, được sự công nhận và không còn phải lệ thuộc vào trợ cấp. Nó giống như sự trưởng thành vậy”.
Bá Ước / NCĐT