Cuối tháng 5/2016, trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về phát triển kinh tế TP. HCM, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã có những câu phát biểu khá ấn tượng: “TP.HCM là đầu tàu mà đang thực hiện cơ chế của toa tàu”, “với cơ chế hiện nay, TP. HCM không ”đột phá” mà chỉ có “đột tử”…
Giấc mơ trở thành một đặc khu kinh tế của TP. HCM bao giờ thành hiện thực? Ảnh nguồn: GTO
Tâm huyết muốn TP. HCM được xây dựng thành “ đặc khu kinh tế”, “một thành phố đáng sống’ của Bí thư Thăng cũng là mong ước của lãnh đạo TP. HCM qua các thời kỳ, là kỳ vọng của người dân nhưng không thưc hiện được vì có quá nhiều “rào cản” và nếu không dở bỏ những rào cản đó thì đặc khu kinh tế TP. HCM vẫn chỉ là "một câu chuyện xa vời".
Trung ương và địa phương đều loay hoay, lúng túng
Chúng ta còn nhớ là Việt Nam đã từng có đặc khu kinh tế. Đó là đặc khu kinh tế Vũng Tàu – Côn Đảo được thành lập năm 1979, cùng thời với đặc khu Thâm Quyến của Trung Quốc, nhằm phát huy thế mạnh của địa phương này trong việc khai thác dầu mỏ, khí đốt, đánh cá, du lịch...
Nhưng về mặt thực chất, đặc khu này không có đặc quyền gì mà chỉ là đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đến năm 1991, đặc khu này bị “xoá sổ” và trở thành tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu như hiện nay.
Đầu năm 1998, khi TP.HCM đang chuẩn bị dự án kiến nghị Trung ương phát triển thành phố thành đặc khu kinh tế thì Trung ương lại chọn Chu Lai (Quảng Nam) để thành lập khu kinh tế mở.
Năm 1999, Bộ Chính trị đồng ý cho Quảng Nam triển khai khu kinh tế mở Chu Lai với một số ưu đãi về đầu tư hạ tầng, về thuế... Năm năm sau (2004), các nhà đầu tư mới thật sự bỏ vốn lập cơ sở sản xuất tại khu kinh tế mở này.
Với lợi thế có cảng Kỳ Hà nước sâu, có đường băng của sân bay Chu Lai do quân đội Mỹ để lại thuộc loại tốt nhất Việt Nam, có quốc lộ 1A băng ngang, những người soạn thảo dự án khu kinh tế mở Chu Lai đã vẽ ra một viễn cảnh nhộn nhịp các nhà đầu tư nước ngoài, trong nước sẽ đổ bộ vào đây với một cơ sở hạ tầng hoành tráng của khu phi thuế quan (cảng tự do), khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch...
Diện tích khu kinh tế mở này rộng đến 32.400 ha, dự kiến lúc đó đến 2010 còn tính mở rộng thêm 10.000 ha thuộc huyện Thanh Bình và huyện Di Xuyên.
12 năm qua, khu kinh tế mở Chu Lai “thu hoạch” được gì? Nói thất bại hoàn toàn thì cũng không đúng, nhưng những gì mang lại được quá thấp so với kỳ vọng ban đầu.
Cho đến nay, khu kinh tế mở Chu Lai thu hút được số vốn đầu tư đã đươc giải ngân trên 900 triệu USD của các nhà đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, quá thấp so với các khu công nghiệp sinh sau đẻ muộn sau này.
Trong đó, riêng ô tô Trường Hải đã đầu tư tới 400 triệu USD, chiếm gần một nửa tổng vốn đầu tư đã giải ngân tại Chu Lai. Nhiều dự án chưa được triển khai còn dở dang.
Giả định nếu ô tô Trường Hải rút khỏi Chu Lai, ngân sách của Quảng Nam sẽ nguy to, vì số tiền thuế của Trường Hải nộp hàng năm chiếm hơn 50% tổng số thuế mà Quảng Nam thu được.
Điều đáng nói là sau khi khu kinh tế mở Chu Lai được cấp phép, hàng loạt các tỉnh duyên hải “nhao nhao” đòi phải có khu kinh tế mở, Trung ương cũng đã đồng thuận và cấp phép cho 14 tỉnh làm khu kinh tế mở.
“Phong trào” kinh tế mở nhạt nhoà, không mang lại hiệu quả rõ rệt. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định khu kinh tế mở kiểu như Chu Lai thực chất chỉ là một khu công nghiệp không hơn, không kém, không tạo ra bứt phá nào.
Lắng đi một thời gian, đến năm 2013-2014, một loạt tỉnh muốn trở thành đặc khu kinh tế đã lập dự án và gửi ra Trung ương. Đó là tỉnh Kiên Giang với đặc khu Phú Quốc, tỉnh Quảng Ninh với đặc khu Vân Đồn, tỉnh Khánh Hoà với đặc khu Vân Phong. Một số tỉnh cũng rục rịch xin có đặc khu như tỉnh Quảng Ngãi (đặc khu Dung Quất), tỉnh Bình Định ...
Ngay cả một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như Formosa ở Hà Tĩnh cũng đòi làm đặc khu sản xuất thép.
Ở TP. HCM, Uỷ ban Nhân dân thành phố cũng đã thông qua dự án đặc khu do Viện Nghiên cứu và Phát triển TP. HCM dự thảo. Theo đó, đặc khu này sẽ hướng ra biển, bao gồm một phần quận 7, một phần huyện Bình Chánh, hai huyện Nhà Bè, Cần Giờ với tổng dân số gồm 700.000 dân.
Theo dự án, tiền cho thuê đất sẽ kéo dài tới 99 năm chứ không phải 50 năm như quy định hiện nay.
Đặc khu TP. HCM sẽ mất một thời gian từ năm 2016 đến 2025 sẽ khảo sát, hoàn thiện khung thể chế, định hình bộ máy, từ 2025 đến 2035 mới bắt đầu đầu tư chiều sâu.Vốn dự kiến là 5 tỷ USD để xây dựng hạ tầng.
Trước tình hình quá nhiều địa phương muốn làm đặc khu kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao cho Bộ Tư pháp làm dự thảo về luật đặc khu kinh tế.
Đầu tháng 8/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp với các địa phương về đặc khu kinh tế đã yêu cầu Bộ Tài chính hoãn việc công bố dự thảo luật về đặc khu kinh tế vì "chưa được nghiên cứu toàn diện, chưa được kiểm nghiệm trong thực tế, nhiều quy định vượt khung (thuế, đầu tư hạ tầng hạ tầng, thẩm quyền đặc biệt của chính quyền đặc khu)”.
Dự thảo luật này coi như...phá sản! Khi thông tin về sự kiện này, một tờ báo giật một cái tựa rất kêu “ Tan vỡ mộng làm đặc khu”!
Thực tế cho tới nay, cả Trung ương và địa phương đều loay hoay, lúng túng, chưa hình thành được một khuôn khổ pháp lý nào cho đặc khu kinh tế và đây cũng là lý do mà một số dự án đặc khu kinh tế Phú Quốc, Vân Đồn. dự án “chính quyền đô thị” của TP. HCM... vẫn còn nằm ở Văn phòng Chính phủ, chưa đưa được ra trình Quốc hội.
Mặc áo mới như thế nào?
Ai cũng thấy chiếc áo mà TP. HCM mặc đã quá cũ kỹ, cần phải thay áo mới nghĩa là phải có thể chế, chính sách để thúc đẩy thành phố, trong đó, có thể phát triển theo loại hình đặc khu kinh tế.
Chữ “đặc” trong đặc khu kinh tế nghĩa là cơ chế, chính sách đặc biệt. Theo đó, đặc khu kinh tế là một vùng lãnh thổ đặc biệt của quốc gia, có ranh giới địa lý xác định, có dân cư sinh sống. Ở đó áp dụng những chính sách thích hợp cho việc phát triển kinh tế tự do theo cơ chế thị trường và mang tính chất mở cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Tại đặc khu kinh tế, có tất cả các loại hình khác nhau của khu kinh tế tự do như khu thương mại tự do, cảng tự do, khu công nghiệp, khu chế xuất, kho chứa hàng miễn thuế...
Với cách thức tổ chức như vậy, sự liên kết hoàn chỉnh giữa các loại hình này, giữa các ngành nghề đã tạo nên một bức tranh tổng thể thống nhất, tạo nên một ưu thế vượt trội so với loại hình khu chế xuất, khu công nghiệp.
Năm 1979, khi Thâm Quyến, đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc được hình thành, chính quyền địa phương căn cứ vào nghị quyết Trung ương về việc thành lập đặc khu và ra những văn bản pháp luật điều hành riêng cho đặc khu Thâm Quyến.
Chính nhờ quyền lực bao trùm của ông Đặng Tiểu Bình lúc đó, Thâm Quyến mới có những đặc ân như vậy.
Nó là một “quốc gia trong một quốc gia” như tiến sĩ Trần Du Lịch nhận định.
Việt Nam chưa giải quyết được vấn đề này nên rất dễ hiểu là dự thảo về luật đặc khu kinh tế đã bị hoãn vô thời hạn vì những quy định để thành lập đặc khu đã vượt khung tất cả những luật hiện hành như luật về ngân sách, luật về thuế, về xuất nhập khẩu, luật về tổ chức chính quyền địa phương.
Ông bà ta thường nói “Có thực mới vực được đạo”, nếu không có ngân sách để xây dựng đặc khu kinh tế thì cũng không tạo ra được hình hài.
Từ một làng chài vô danh, Thâm Quyến đã được Trung ương cấp cho “vốn mồi ” 100 triệu nhân dân tệ lúc khởi đầu để xây dựng cơ sở hạ tầng, mời gọi các nhà đầu tư.
Nhiều năm qua, TP. HCM đã kiến nghị nhiều lần tăng ngân sách được giữ lại để tái đầu tư nhưng không được Trung ương chấp nhận.
Hơn hai thập kỷ qua, từ khi được Tổng Bí thư Lê Duẩn giao nhiệm vụ “Vì cả nước, cùng cả nước”, TP. HCM hàng năm chiếm 20% GDP của cả nước và chiếm gần 30% ngân sách của các tỉnh thành trong cả nước nộp cho Trung ương nhưng chỉ đươc giữ lại 25% nguồn thu.
Trong lúc đó, các đô thị khác được giữ lại từ 40 đến 100% nguồn thu rồi còn nhận thêm ngân sách của Trung ương. Riêng Hà Nội được giữ lại hơn 40% ngân sách.
Bước sang năm 2016, tình hình ngân sách cả nước căng một sợi dây đàn, trong đó, gần 40% để trả nợ và hơn 60% để chi thường xuyên.
Giả định rằng TP. HCM được Trung ương cho xây dựng đặc khu kinh tế thì tái đầu tư từ nguồn ngân sách nào? Và nếu Trung ương cho thành phố giữ lại 100% ngân sách để tái đầu tư như Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đề nghị và đã được đăng trên các báo thì chắc chắn sẽ mất cân đối ngân sách của toàn bộ cả nước.
Nếu không có cơ chế đặc thù cho TP. HCM với sự đồng thuận và quyết định cho thi hành của Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội, thì việc xây dựng đặc khu kinh tế TP. HCM chỉ dừng lại ở… những ý tưởng và mộng ước mà thôi!
QUỐC VĨNH / BizLIVE