Nếu cách nay vài năm, thị trường mì ăn liền phân khúc trung bình được xem là hấp dẫn và ổn định cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất, thì trong năm 2017, phân khúc cao cấp lại được nhận định còn nhiều dư địa tăng trưởng. Một số DN nhanh chóng xây dựng chiến lược chuyển hướng, đầu tư cho các sản phẩm cao cấp.
Ảnh minh họa. |
Phân khúc bình dân, có giá bán 3.000 đồng/gói trở xuống, vốn được các doanh nghiệp mì gói xem là thị phần "dễ thở" nhưng cũng đầy "trần ai" trong cuộc cạnh tranh quyết liệt.
Năm 2016, doanh thu mì gói của Masan giảm tới 11%, xuống còn dưới 3.700 tỷ đồng. Phần bị giảm của Masan rơi vào phân khúc kể trên. Tuy nhiên, phân khúc này chưa phải là hấp dẫn khi ông Kajiwara Junichi -
Tổng giám đốc Acecook Việt Nam cho biết: "Doanh thu của các sản phẩm thuộc phân khúc này chỉ đóng góp khoảng gần 10% doanh thu của toàn Công ty nên Acecook không tập trung nghiên cứu thêm hương vị mới mà chỉ củng cố. Cả chi phí quảng cáo cũng chỉ đầu tư tương thích với hiệu quả nó đem lại".
Phía Kido cũng cho rằng phát triển thị trường này chậm hơn dự kiến. Tương tự, Nissin cũng đã len chân vào thị phần mì giá 3.000 đồng/gói với mì Waxada và mì không chiên 365.Tuy nhiên, theo tiết lộ của đại diện Nissin: "Hai sản phẩm này cũng không đem lại doanh thu khả quan khi quanh năm Công ty phải theo đối thủ để chạy đua khuyến mãi".
Theo tính toán của giám đốc một doanh nghiệp sản xuất mì gói có tiếng tại TP.HCM: "Mặc dù phân khúc bình dân khá lớn nhưng với giá bán dưới 3.000 đồng/gói thì lợi nhuận cực thấp. Cụ thể, một gói mì làm ra thì nguyên vật liệu chiếm 60 - 70% giá thành, chi phí sản xuất (nhân công, điện, nước...) chiếm 15 - 20%. Nếu doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý khí thải, nước thải thì giá thành phải cộng thêm vài % nữa, chưa kể chi phí quảng cáo, tiếp thị.
Như vậy, nếu giá một gói mì 3.000 đồng thì lợi nhuận gần như không còn. Vậy nên, để có lãi mà vẫn có thể cạnh tranh về giá, một số doanh nghiệp đã giảm trọng lượng gói mì, thay vì 65gr còn 60gr/gói hoặc dùng bột mì loại hai, loại ba thay vì dùng loại một (giảm chi phí khoảng 5.000 đồng/kg)".
Tổng giám đốc Acecook cũng cho rằng: "Đó là mức giá thấp đến không còn thấp hơn được nữa. Chưa kể năm nay, giá nguyên liệu tăng nên các doanh nghiệp đi theo chiến lược giá rẻ sẽ càng khó khăn". Vì thế để "sống còn", chỉ có cách duy nhất là các doanh nghiệp phải tìm ra sản phẩm phù hợp và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng theo từng thời điểm". Đó là lý do năm 2017, một số doanh nghiệp đã tập trung chiến lược cho các dòng sản phẩm mì cao cấp.
Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group cho biết: "Các sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp vẫn tăng trưởng tốt cho dù quy mô toàn ngành giảm do nhiều đối thủ tiếp tục hạ giá các sản phẩm bình dân nhằm chiếm thị phần bằng mọi giá. Do đó năm 2017, Masan nhắm đến hướng đi mới tập trung đầu tư cho sản phẩm tiện lợi, cao cấp hơn".
Nếu như trước đây, người sử dụng mì gói chỉ nhìn thấy hình đùi gà, thịt trên bao bì cùng hàng chữ "hình ảnh minh họa" thì bây giờ Masan sẽ hiện thực hóa hình ảnh đó trong gói và ly mì, có cả thịt và rau đi kèm. Dĩ nhiên giá sẽ cao, những sản phẩm thịt thật có giá từ 8.000 - 15.000 đồng/gói, có loại lên tới 20.000 đồng/gói.
Tương tự, ông Kajiwara Junichi cho biết, tại Việt Nam, Acecook đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển mới của phân khúc cao này. Đặc biệt, loại mì ly sẽ được phát triển trong thời gian tới. Ông còn cho biết thêm: "Năm 2016, mì ly chiếm 5% tổng mì ăn liền của Công ty nhưng năm nay, chúng tôi đưa mục tiêu đẩy lên mức 20%".
Nissin Foods Việt Nam thì khẳng định: "Kiên quyết chọn mì ly cao cấp, giá cao để "sống còn" với thị trường Việt Nam". Theo đại diện Nissan: "Dù phân khúc mì cao cấp vẫn còn nhỏ, nhưng thời gian qua lại tăng trưởng khá tốt. Vì vậy, hãng tập trung đưa ra thị trường Việt Nam nhãn hiệu nổi tiếng toàn cầu là mì ly Noodles nhằm tạo nên nhu cầu ăn mì đắt tiền cho tầng lớp trung lưu đang tăng lên tại Việt Nam.
Đặc biệt, sản phẩm này được dự báo có sức tiêu thụ tốt trong xu hướng bùng nổ mạnh mẽ số lượng các nhà hàng bán thức ăn nhanh tại Việt Nam cũng như các cửa hàng tiện lợi". Theo tiết lộ của Nissin, để cạnh tranh hãng cũng có chiến lược giá rẻ hơn 3.000 đồng/ly mì so với sản phẩm cùng chất lượng. Về chất lượng, hãng cũng tập trung đưa vào các khẩu vị đang bán chạy ở các quốc gia khác như mì Tomyum của Thái lan, mì hải sản của Nhật Bản...
Phía Acecook cũng cho rằng, dù tính toán khấu hao khi đầu tư dây chuyền sản xuất bao bì ly phải mất 7 năm , tuy nhiên với dây chuyền này, Acecook không chỉ phục vụ cho mì ly của Acecook mà còn dự định bán ly nhựa cho các hãng khác, đồng thời dây chuyền này cũng giúp hãng tăng được công suất, năng suất sản xuất so với trước đây, nhất là tăng năng lực cạnh tranh. Ước tính, sau hai năm Acecook sẽ thu hồi vốn.
Minh Quân / Doanh Nhân Sài Gòn