Mới đây, hai doanh nghiệp bán lẻ quy mô nhất thị trường là VinCommerce và Thế Giới Di Động đã liên tiếp đưa ra văn bản muốn đối tác hỗ trợ giảm 50% tiền thuê mặt bằng.
Nhìn lại lịch sử kinh doanh của bộ đôi này, có thể thấy chiến thuật phủ kín thị trường bằng điểm bán đã giúp họ chiếm lĩnh thị phần. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay đó lại như đòn “hồi mã thương” dành cho họ.
Vinmart ở Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: Thành Hoa
Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce (công ty thành viên của Tập đoàn Masan), đơn vị quản lý vận hành hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+ vừa gửi lời đề nghị đến các đối tác cho thuê mặt bằng, xem xét giảm 50% giá thuê hàng tháng cho thời gian còn lại của hợp đồng cho thuê như một biện pháp hỗ trợ trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Trong thư, đại diện VinCommerce cho biết, ảnh hưởng của Covid-19 kéo dài trong ba tháng liên tục khiến doanh thu tại hệ thống của hàng của công ty này sụt giảm rõ rệt so với trước kia; người dân được khuyến cáo trong nhà để đảm bảo an toàn; nhiều cửa hàng của VinCommerce tại khu vực cách ly đã phải dừng hoạt động dẫn đến thiệt hại kinh tế. Mặt khác, giá cho thuê trên thị trường cũng đã đồng loạt sụt giảm.
VinCommerce hiện đang quản lý, vận hành hơn 3.000 điểm bán VinMart và VinMart+ trên toàn quốc. Thời điểm hiện tại, các cửa hàng này vẫn đang được cho phép hoạt động do thực hiện cung cấp nhu yếu phẩm đến người dân.
Trước đó, một doanh nghiệp khác trong lĩnh vực bán lẻ là Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (TGDĐ) cũng gửi văn bản yêu cầu đối tác giảm 50% giá thuê mặt bằng trong thời gian một năm. Nhưng khác với VinCommerce, các cửa hàng kinh doanh Thế giới Di động và Điện máy Xanh buộc phải đóng cửa trong thời gian cách ly xã hội (dự kiến 2 tuần).
TGDĐ hiện cũng là một ông lớn trong ngành bán lẻ nội địa với gần 3.100 cửa hàng đang hoạt động, chia đều cho ba chuỗi cửa hàng Thế giới Di động, Điện máy Xanh và Bách hóa Xanh.
Ông Nguyễn Đức Tài, nhà đồng sáng lập TGDĐ, từng ví doanh nghiệp của mình như một con báo gấm với những cú nước rút kinh điển. Thực tế ông đã chứng minh được điều này, với tốc độ mở chuỗi và địa bàn ấn tượng chỉ trong một thời gian ngắn. Doanh thu, lợi nhuận cũng bắt kịp được tốc độ mở chuỗi khi đều đặn tăng trưởng.
Để đạt được mức tăng trưởng trung bình hơn 50% mỗi năm, TGDĐ cũng đã thị uy với những đối thủ nhỏ lẻ bằng việc bao vây họ bằng số lượng lớn cửa hàng. Gia tốc mở chuỗi cực khủng, nếu chỉ tính từ cuối năm 2018 đến nay đã có hơn 1.000 cửa hàng được mở thêm trên toàn hệ thống.
Hơn một thập kỷ khuynh đảo thị trường bán lẻ di động, điện tử Việt Nam, TGDĐ vươn mình trở thành người khổng lồ trong lĩnh vực này. Có thể thấy, chiến lược phát triển chuỗi siêu thị "nhiều, nhanh nhưng nhỏ" của TGDĐ đem lại những kết quả khả quan. Tuy nhiên đến thời điểm này việc duy trì một hệ thống cửa hàng lớn như vậy dường như là “điểm yếu” khiến TGDĐ đứng trước nguy cơ “phơi nhiễm” với Covid-19.
Trong khi đó với VinCommerce, hệ sinh thái bán lẻ khổng lồ đã đem lại giá trị lớn cho họ trong thương vụ sáp nhập với Masan. Việc tiếp nhận hệ thống hàng nghìn siêu thị và cửa hàng khiến quy mô lao động của Masan tăng lên thêm trên 20.000 người, tương đương số lượng lao động của tập đoàn tăng gấp 3 sau thương vụ sáp nhập này. Tuy nhiên khi việc sáp nhập này chưa được định hình và vận hành trơn tru trên thực tế thì cuộc khủng hoảng Covid-19 kéo đến khiến những lợi thế trước đó lập tức trở thành gánh nặng. Văn bản gửi đối tác hỗ trợ tiền thuê mới đây cũng cho thấy áp lực từ hàng nghìn cửa hàng này lớn như thế nào.
Có thể Covid-19 là rủi ro trong ngắn hạn và không thể khiến các doanh nghiệp này đứng bên ranh giới sống còn. Nhưng ở góc độ nào đó, họ cũng đã dính phải đòn đau vì chiến lược chiếm lĩnh thị trường “thô bạo” trước đó. Nhất là với doanh nghiệp thuần bán lẻ như Thế Giới Di Động trong bối cảnh “thế giới bất động” như hiện nay.