Việc Hanjin Shipping Global (Hàn Quốc) - một trong 10 hãng tàu lớn nhất thế giới - vừa đệ đơn phá sản lên Tòa án Hàn Quốc, đã khiến thị trường giao nhận vận tải biển thế giới chao đảo. Nhiều chủ hàng Việt cũng trở tay không kịp bởi Hanjin Shipping là đơn vị chiếm thị phần lớn ở Việt Nam.
Hàng đã lên tàu, không rõ số phận
Văn phòng đại diện của Hãng tàu biển Hanjin Shipping Global (Hàn Quốc) tại Việt Nam vừa có thông báo về việc dừng không nhận booking hàng hóa mới kể từ ngày 31/8/2016. Việc đệ đơn phá sản của Hãng tàu biển Hanjin Shipping Global (Hàn Quốc) đã khiến nhiều chủ hàng Việt trở tay không kịp.
Xét trên mặt năng lực vận chuyển, Hanjin được đánh giá là một trong 10 công ty dẫn đầu về vận tải container trên toàn thế giới. Nhưng số nợ lên đến 5 tỷ USD đã đẩy “đại gia” vận tải biển thế giới này chết chìm.
Hanjin Shipping Global là 1 trong 10 hãng tàu lớn nhất thế giới.
Trao đổi với PV.VietNamNet, đại diện một chủ hàng lo lắng: "Công ty tôi có hàng chục container hàng ở cả hai chiều từ Việt Nam đi và từ nước ngoài về Việt Nam. Việc hãng tàu Hanjin đột ngột đệ đơn phá sản khiến chúng tôi trở tay không kịp. Hàng đang long đong trên biển, không biết có lấy được hàng không vì hiện tại một số cảng đã không cho tàu Hanjin cập cảng hoặc giữ tàu rồi".
Trên các diễn đàn về xuất nhập khẩu, nhiều chủ hàng, đại lý vận tải cũng không giấu được sự hoang mang khi không biết số phận các lô hàng do Hanjin vận chuyển sẽ ra sao.
Một thành viên than thở không biết phải làm sao khi có 1 container book qua Hanjin tại Incheon, Hàn Quốc. Hàng đã đóng và ra cảng rồi, nhưng cảng Incheon không cho kéo container ra khỏi cảng để rút hàng và chuyển sang hãng vận tải khác.
Một số chủ hàng có kế hoạch xuất khẩu từ Việt Nam đi các nước thông qua Hanjin cũng vội vã thay đổi. Những container đã đóng hàng rồi nhưng chưa vận chuyển lên tàu đành rút hàng ra để thuê hãng tàu khác vận chuyển.
“May mà chúng tôi chưa chuyển hàng vào container để vận chuyển. Giờ thì trả lại container rỗng cho hãng tàu là xong thôi”, một chủ hàng thở phào.
Cảnh báo các tình huống xấu
Theo BBC, ngay sau khi nộp đơn xin phá sản, Hanjin đang bị bỏ rơi giữa biển, với khoảng 540.000 container và rất nhiều thủy thủ đang mắc kẹt. Các cảng biển lo sợ không ai trả chi phí phục vụ tại cảng nên đã từ chối các tàu hàng của Hanjin cập cảng hay bốc dỡ hàng hóa.
Một nhà quản lý của Hanjin xác nhận tàu của hãng bị cảng này từ chối cho vào cảng Busan của Hàn Quốc vì lo ngại sẽ không được thanh toán tiền. Ngoài ra, Hanjin cũng đang lo ngại rằng tàu của hãng có thể bị các chủ nợ bắt để trừ nợ.
Việc hãng tàu biển được cho là lớn nhất Hàn Quốc bất ngờ đệ đơn phá sản khiến nhiều chủ hàng Việt hốt hoảng.
Kể từ khi hãng này liên lạc với luật sư phá sản, đã có 45 tàu của hãng bị các cảng từ chối tiếp nhận, cùng với đó là hơn nửa triệu container hàng.
Giới chuyên gia nhận định tình trạng bế tắc có thể còn kéo dài trong nhiều tuần, nếu không muốn nói là nhiều tháng nữa. Giá vận tải container toàn cầu đã tăng trong mấy ngày gần đây.
Trước tình thế này, Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đã có văn bản khuyến cáo các hội viên của mình nên cảnh giác. Trường hợp hàng đã đặt chỗ với Hanjin Shipping nhưng chưa kịp bốc lên tàu, DN cần nhanh chóng cho làm thủ tục lấy hàng lại và chuyển sang một hãng vận tải khác.
Đặc biệt, trong trường hợp hàng đang trên phương tiện di chuyển đến cảng đích, VLA cho rằng, có khả năng các các nhà cung cấp dịch vụ cho hãng vận tải cũng sẽ giam giữ phương tiện và thiết bị của hãng vận tải cho đến khi có ai đó đứng ra thanh toán nợ cho họ.
“Hội viên cần theo dõi chặt chẽ với hãng tàu, phối hợp với đại lý về khả năng giải phóng hàng sớm nhất có thể”, VLA lưu ý.
VLA khuyến cáo thêm: Trường hợp hãng vận tải không tìm được một thỏa thuận trả nợ với các chủ nợ và phải tuyên bố phá sản, các chủ nợ sẽ có quyền yêu cầu các cảng bắt giữ và cầm giữ phương tiện, thiết bị của hãng vận tải. Tuy nhiên, hàng hóa do phương tiện chuyên chở hoặc hàng hóa bên trong thiết bị của hãng vận tải thì thông thường không thuộc đối tượng cầm giữ. Nghĩa là đại lý hãng tàu, chủ hàng có thể tìm giải pháp để rút ruột, bốc dỡ hàng hóa ra khỏi phương tiện của hãng vận tải đang bị cầm giữ.
Trước tình hình của Hanjin, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng khuyến cáo các doanh nghiệp, đối với các lô hàng nhập khẩu đã cập cảng, cần khẩn trương hoàn thành thủ tục nhận và thông quan giải phóng hàng ra khỏi container của Hanjin.
“Đối với các lô hàng xuất khẩu đã đưa vào container của hãng Hanjin, nhanh chóng lấy hàng ra khỏi container và liên hệ với đối tác nước ngoài để có phương án lựa chọn, thay đổi hãng tàu cũng như lịch booking hàng hóa”, Bộ này nhắc nhở.
Ngoài ra, theo cơ quan này, đối với các lô hàng đang được chuyên chở trên tàu của Hanjin, cần tiếp tục làm việc với Văn phòng đại diện của Hãng Hanjin tại Việt Nam để theo dõi lịch trình và phối hợp với đối tác nhập khẩu để có phương án nhận hàng tại cảng.
Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải đề nghị chỉ đạo các cảng vụ có phương án bố trí phương tiện hợp lý và điều tiết kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp, tránh ảnh hưởng đến tiến độ giao nhận hàng hóa và gây ùn tắc tại các cảng biển.
Hanjin vận hành khoảng 60 tuyến vận tải thường xuyên, với 140 tàu container và hơn 100 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Đây là vụ phá sản lớn nhất từ trước đến nay trong ngành vận tải biển toàn cầu, vượt qua vụ phá sản của hãng United States Lines vào năm 1986. Theo Reuters, Hanjin đã nộp đơn xin tòa án thụ lý tài sản sau khi các ngân hàng quyết định chấm dứt hỗ trợ tài chính cho Hanjin và các cảng biển từ Trung Quốc tới Tây Ban Nha, Mỹ và Canada từ chối cho tàu của Hanjin vào cảng. Tại Mỹ, Hanjin đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo chương 15 của luật phá sản Mỹ. Mục đích của động thái này là nhằm bảo vệ các tàu chở hàng của Hanjin khỏi bị các chủ nợ bắt giữ. Cổ phiếu của Hanjin đã bị ngừng giao dịch tại thị trường chứng khoán Seoul vào hôm 30/8. Sáng 5/9, khi giao dịch trở lại, giá cổ phiếu này có lúc giảm kịch sàn biên độ 30%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2009. |
Lương Bằng - Nam Hải / vietnamnet