Kinh doanh thua lỗ phải đóng cửa, có ông chủ chuyển sang mở quán café, có người mở nhà hàng bia hơi hay buôn quần áo, mỹ phẩm. Ông chủ mặt lúc nào cũng buồn buồn, vẫn nhớ “thời hoàng kim” có ngày bán 5-6 xe, bận tối mắt, tiền đầy túi.
Bán cafe, nước ngọt, quần áo
Cầm cự mãi nhưng thua lỗ ngày càng nặng nề, một công ty kinh doanh ô tô từ cuối tháng 5/2017 đã phải đóng cửa nốt showroom ô tô cuối cùng tại Nguyễn Tuân (Thanh Xuân). Showroom này có diện tích hơn 300m2, giá thuê vào khoảng 80 triệu đồng/tháng, nhưng xe không có để bán, không lo đủ tiền thuê nên đành phải đóng cửa.
Trước đó, công ty có tới 3 showroom ô tô , 2 ở Hà Nội và 1 ở TP.HCM vừa bán xe vừa làm nhiệm vụ bảo dưỡng sửa chữa. Thời kỳ hoàng kim, công ty bán hàng trăm chiếc xe và nộp thuế các loại lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, gần đây làm ăn thua lỗ, mỗi showroom lỗ khoảng 200 triệu đồng/tháng. Trước kia, DN có tới hơn 50 lao động nay cho nghỉ việc hết.
Nhiều DN kinh doanh ô tô phải đóng cửa do thua lỗ (ảnh minh họa) |
Bây giờ ông chủ chuyển sang kinh doanh nước giải khát. Song, do mới chuyển đổi và trái nghề nên rất vất vả, phải làm lại từ đầu.
Trước cứ bán 1 chiếc xe là thu về vài chục ngàn USD, khách trả tiền thì giao xe, không phải lo nghĩ. Nay chuyển sang kinh doanh nước ngọt, đi bỏ mối người bán thường không trả tiền ngay, sau khi bán hết mới trả, có lô bán vài tháng mới hết, hay chẳng bán được, hàng đã hết hạn, phải hủy bỏ, thấy chật vật vô cùng. Doanh số thấp nên nộp thuế cũng thấp, chưa bằng 1% so với trước đây kinh doanh ô tô.
Một ông chủ có 2 cửa hàng kinh doanh ô tô con trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) cho biết, bán xe ngày càng lỗ, nguồn hàng khó khăn. Cầm cự không nổi, ông đã đóng cửa, trả lại mặt bằng, chuyển sang lấy nguồn quần áo nhập từ Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan,... về bán lẻ tại Long Biên.
Nếu đầu tư vốn cho 2 cửa hàng ô tô cũng tới cả chục tỷ đồng thì nay với quần áo chỉ cần vài trăm triệu. Quy mô thu nhỏ, cửa hàng cố gắng duy trì để kiếm sống.
Theo ông chủ này, thời gian qua có hàng chục DN kinh doanh ô tô từ xe con đến xe tải đã đóng cửa do thua lỗ, chuyển sang kinh doanh quần áo, coi đây là ngành nghề mới. Doanh số không thể so với bán ô tô, nhưng phải bằng lòng vì chẳng biết làm gì hơn.
Một số thì chuyển sang kinh doanh ẩm thực. Có ông chủ kinh doanh ô tô sau khi ngừng hoạt động chuyển sang mở quán cafe trên phố Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy), có người mở nhà hàng bia hơi, trâu tươi tại Vạn Phúc (Hà Đông). Khách ra vào khá nhộn nhịp nhưng ông chủ mặt lúc nào cũng buồn buồn, vẫn nhớ “thời hoàng kim” kinh doanh xe, có ngày bán 5-6 chiếc, bận tối mắt, không kịp ăn trưa.
Tuy nhiên, những ông chủ này vẫn còn được cho là nhanh nhạy đã sớm chuyển đổi ngành nghề, còn nhiều DN khác sau khi đóng cửa, vẫn đang bế tắc không biết làm gì.
Bế tắc và phá sản
Công ty Màu Đức (Hải Phòng) trước kia chuyên nhập khẩu xe cũ hạng sang, nay đã ngừng hoạt động.
Ông Trần Dũng, đại diện DN này, cho biết, từ 6 tháng qua công ty không nhập chiếc xe nào nữa. Giá tính thuế với xe cũ cứ tăng vù vù, chẳng rõ nguyên nhân. Một chiếc Audi Q5 cũ, còn giá trị 90%, đầu năm 2017 giá tính thuế là 26.000 USD, sau đó tăng lên 29.000 USD và nay là 34.000 USD. Hải quan cứ nâng giá mà chẳng giải thích hay báo trước. Có xe nhập về cho khách, ký hợp đồng lúc giá tính thuế chưa tăng về tới cảng giá tăng, thế là thua lỗ.
Nhiều ông chủ salon bế tắc, không biết chuyển hướng kinh doanh gì |
Theo ông Dũng, một số dòng xe ăn khách như Audi, Camry, Land Rover,... giá tính thuế được nâng lên cao, rất khó cạnh tranh với xe mới. Chiếc Camry cũ còn giá trị 90%, giá tính thuế hiện nay là 22.000 USD, cộng các loại thuế và phí khác, lên tới 50.000 USD, trong khi xe mới giá cũng chỉ ở mức đó thì cạnh tranh sao nổi.
“Hiện chúng tôi đang rao bán showroom nhưng chẳng có ai mua. Công ty có 25 lao động đã cho nghỉ việc hết. Nếu ‘thời hoàng kim’ có năm nhập gần 400 chiếc xe, bán ra, nộp ngân sách gần 1.000 tỷ đồng thì nay chả còn gì, chưa bị vỡ nợ là may. Giờ cũng không biết chuyển đổi sang kinh doanh mặt hàng gì, bởi đã quen kinh doanh ô tô, chuyển đổi rất khó” - ông Dũng nói.
Trong lúc nói chuyện, ông Dũng luôn tự an ủi, không bị vỡ nợ là may. Không ít người kinh doanh ô tô thời gian qua thua lỗ nặng nề. Ông Dũng kể có DN nhập khẩu ô tô lớn tại Hà Nội, trước có 4-5 showroom, đã phải đóng cửa. Vợ chồng ông chủ phải bỏ trốn vì nợ nhiều quá.
Ông Nguyễn Tuấn, GĐ Công ty TNHH Thiên An Phúc, cho biết, sau khi không được nhập khẩu ô tô con, theo quy định tại Thông tư 20 của Bộ Công Thương, DN đã chuyển hướng sang kinh doanh xe tải nhập khẩu. Nhưng thời gian qua, nhập 1 loạt xe đầu kéo về bán không được, càng để càng lỗ. Cuối tháng 1 vừa qua phải bán nốt 2 chiếc xe đầu kéo và 1 chiếc xe tải 12 tấn, tổng cộng 3 xe lỗ 2 tỷ đồng và dừng hoạt động, nay cũng chưa biết chuyển nghề gì.
Có DN chuyển hướng sang kinh doanh mỹ phẩm, nhập vài container từ châu Âu về bán thử. Nhưng cũng giống như kinh doanh nước ngọt, phải bắt đầu lại từ đầu, từ khâu phát triển hệ thống bán lẻ. Và cũng phải ghi nợ, tiền chỉ thu về khi bán được hàng. Một container mỹ phẩm nhập từ châu Âu về có giá trị khoảng 20.000-30.000 USD, chỉ tương đương 1 chiếc ô tô mà mấy tháng bán không xong, lại đọng vốn và thua lỗ.
Ông Tuấn tiết lộ, một số DN ô tô sau một thời gian kinh doanh, đã nâng quy mô lên DN cỡ vừa, với số vốn hàng trăm tỷ đồng. Một số tính liên kết với nhau để cùng đầu tư sản xuất lắp ráp ô tô. Nhưng chính sách thay đổi, mọi kế hoạch phá sản. Nhiều DN thua lỗ, ăn vào cả vốn lẫn lãi nay chẳng còn gì.
Nhiều DN kinh doanh ô tô cho biết rất ngán ngẩm, nhìn về phía trước không thấy lối thoát, không biết tính chuyện làm ăn gì sắp tới. Theo ông Tuấn, thời gian tới sẽ còn không ít DN ô tô phải đóng cửa, giải thể do biến động về chính sách và thị trường. Có thể, họ lại sẽ gia nhập đội quân bán quần áo, nước ngọt và mỹ phẩm.
Theo Trần Thủy
VietnamNet