So với mục tiêu có bốn ĐH lọt top 1.000 thế giới giai đoạn 2019-2025 thì đến nay giáo dục ĐH đã hoàn thành trước sáu năm. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo phấn đấu chạy theo mục tiêu vào bảng xếp hạng sẽ lệch sứ mạng.
Theo bảng xếp hạng của QS Graduate Employability Rankings (QS GER) 2020, Đại học (ĐH) Quốc gia TP.HCM nằm trong top 301-500 trên 2.100 trường ĐH có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tốt nhất thế giới. Trước đó, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Quốc gia Hà Nội đã có tên trong top 1.000 theo bảng xếp hạng của Times Higher Education (THE). Trường ĐH Tôn Đức Thắng được xếp 901-1.000 bảng xếp hạng Shanghai Ranking do Trường ĐH Giao thông Thượng Hải - Trung Quốc thực hiện.
ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM đã hai lần lọt top 1.000, bảng xếp hạng Quacquarelli Symonds (QS). Như vậy, so với mục tiêu có bốn cơ sở giáo dục ĐH lọt vào top 1.000 thế giới theo đề án nâng cao chất lượng giáo dục ĐH giai đoạn 2019-2025 đến nay chúng ta đã hoàn thành trước sáu năm.
Chưa vui nhiều vì thứ hạng còn thấp
Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Trước kia, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội không quá quan tâm đến xếp hạng và nghĩ sinh viên tốt, ra trường có việc làm thu nhập tốt là được.
Điều đó đúng nhưng chưa đủ, mình cảm thấy mình tốt nhưng người ta lại không đánh giá như vậy. Đầu năm 2019, chúng tôi tham gia đăng ký vào bảng xếp hạng của THE và hôm nay chúng tôi thực sự vui là kết quả đó đến sớm hơn kỳ vọng”.
Trường đại học Tôn Đức Thắng lọt top 1.000 bảng xếp hạng của đại học Giao thông Thượng Hải
Tuy nhiên, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Tớp cũng chia sẻ: “Chúng tôi không phấn khích quá bởi vị trí xếp hạng vẫn thấp và đây chỉ là một trong những chỉ số đo lường về hoạt động của các cơ sở đào tạo ĐH, cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa”.
Nếu đặt ra vấn đề thời gian tới lọt vào top 600, theo ông Tớp cần phải có đầu tư và nên chọn một số trường và một số lĩnh vực để thăng hạng.
Coi chừng lệch sứ mạng
Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, đánh giá: xếp hạng là một cuộc đua, điều đó có nghĩa là năm ngoái đã có 1.000 trường rồi, muốn có mặt trong đó phải đẩy được trường khác ra. Xếp hạng ĐH tạo điều kiện để các trường phấn đấu, tuy nhiên cái dở là khi mình phấn đấu chạy theo mục tiêu vào bảng xếp hạng sẽ lệch sứ mạng.
Cụ thể, mỗi trường tồn tại có những sứ mạng: phục vụ người học, phục vụ cộng đồng, nghiên cứu khoa học… và phải làm tốt sứ mệnh ấy trong những giai đoạn cụ thể. Ví như ở cấp tiểu học, họ không khuyến khích xếp hạng với nhau vì mục tiêu là học sinh phải học cho tốt. Xếp hạng ĐH cũng giống như vậy, khi ganh đua để đẩy trường khác ra như là mục tiêu thì bỏ quên sứ mạng…
Cũng theo tiến sĩ Lê Trường Tùng, có những bảng xếp hạng thiên về học thuật, thông thường học thuật chủ yếu tập trung vào các thầy là chính và chưa thấy rõ học thuật của thầy mang lại lợi ích gì cho trò. Chưa nói đến giáo dục ĐH hiện nay cũng phân tầng, tầng nghiên cứu chạy theo mục tiêu học thuật thì ổn, nhưng tầng liên quan đến nghề nghiệp ứng dụng thì mục tiêu chính không tập trung vào nghiên cứu mà là trách nhiệm đào tạo con người, đào tạo cộng đồng.
Xếp hạng học thuật chỉ tập trung vào các trường ĐH tinh hoa để dẫn dắt về công nghệ, nghiên cứu, nhưng còn hệ thống đại chúng đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội không thể bỏ qua. Cái chúng ta phải chú ý số một là người học vì đã là trường ĐH phải quan tâm đến giá trị mang lại cho người học chứ không phải kết quả nghiên cứu.
Đồng quan điểm trên, phó giáo sư - tiến sĩ Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay: “Các bảng xếp hạng quốc tế hầu hết phù hợp với các trường theo định hướng nghiên cứu nên trường nào theo định hướng nghiên cứu thì mới nên tham gia để biết mình đang ở đâu”.
Theo phó giáo sư - tiến sĩ Hoàng Minh Sơn, hiện nay, còn một số yếu tố hạn chế trong quyết định chất lượng giáo dục ĐH. Ví như nguồn lực con người. Cụ thể là thành tích của cán bộ nghiên cứu còn rất thấp trong khi muốn giảng dạy giỏi ở bậc ĐH và sau ĐH thì năng lực nghiên cứu phải tốt. Chúng ta đã gửi sinh viên đi làm nghiên cứu sinh, làm tiến sĩ ở nước ngoài không ít nhưng chưa thu hút được họ trở về nhiều.
Hay như các trường đã được giao tự chủ vẫn còn một số điểm nghẽn về luật pháp chưa được đồng bộ và đầu tư ngân sách nhà nước cho cả hệ thống giáo dục ĐH, đặc biệt ở các trường ĐH định hướng nghiên cứu thấp hơn nhiều so với chuẩn chung của khu vực và thế giới.
“Dù lọt vào các bảng xếp hạng chứng tỏ ĐH chúng ta đã có mặt trong bản đồ ĐH thế giới. Tuy nhiên, trường nào cũng chạy theo bảng xếp hạng thì không ổn. Chúng ta phải hướng đến phát triển ĐH đa dạng, nhiều khía cạnh. Xếp hạng ĐH chỉ phản ánh một khía cạnh nào đó thôi chứ không phải mục tiêu tối thượng”, tiến sĩ Lê Trường Tùng nói.
Theo Đại Minh / PNO