Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra nên việc thực hiện các quy định về du lịch của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk luôn được chấp hành nghiêm túc. Các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động du lịch giảm đáng kể, các hiện tượng như cò mồi, bán hàng rong, ăn xin, bán vé số, đánh giày, chèo kéo, đeo bám khách… không còn xảy ra trên địa bàn.
Môi trường du lịch của tỉnh Đăk Lăk ngày càng được cải thiện
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, tính đến nay trên địa bàn hiện có 198 đơn vị, cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, trong đó 166 đơn vị, cá nhân kinh doanh lưu trú; 32 đơn vị kinh doanh lữ hành, trong đó có 7 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế và 25 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa; có 11 khu, điểm du lịch đang hoạt động kinh doanh. Tổng số người trực tiếp tham gia lao động du lịch khoảng 2.500 người. Hàng năm, ngành du lịch đón tiếp bình quân khoảng 330 ngàn lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 10%. Đắk Lắk đã có 9 xe của 4 đơn vị (3 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành; 1 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch) được cấp biển hiệu xe ôtô đạt tiêu chuẩn vận chuyển khách du lịch. Các khu du lịch, điểm du lịch, các cơ sở dịch vụ lưu trú trên địa bàn đều được yêu cầu đăng ký và niêm yết giá cả cụ thể các dịch vụ, không được tăng giá trong các dịp diễn ra sự kiện, lễ hội lớn của tỉnh, hoạt động taxi được quản lý chặt chẽ… nên đã không xảy ra tình trạng gian lận, chặt chém khách du lịch.
Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk cũng phân công trách nhiệm vụ thể cho các cấp, các ngành nên đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động du lịch. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư luôn được quan tâm và thông qua nhiều hoạt động quảng bá, kêu gọi đầu tư, tham dự các hội chợ triển lãm. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan rà soát, tham mưu xây dựng chương trình, các sản phẩm du lịch riêng biệt và các sản phẩm chung mang tính kết nối, bền vững…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 đơn vị kinh doanh khu, điểm du lịch, tất cả các khu, điểm du lịch này đều đã đầu tư xây dựng các công trình nhà vệ sinh phục vụ du lịch. Ngành du lịch tỉnh cũng đã thường xuyên chủ động, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra đặc biệt trong các dịp lễ, tết nhằm tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các doanh nghiệp kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời nghiêm khắc xử lý những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật đã được tuyên truyền, nhắc nhở.
Tuy nhiên, đến nay mới có 1 đơn vị kinh doanh dịch vụ mua sắm đăng ký và đã được cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông đường bộ đến Đắk Lắk quá khó khăn, chất lượng dịch vụ còn nhiều hạn chế nên đã ảnh hưởng đến lượng khách du lịch đến tỉnh; các doanh nghiệp trên địa bàn hầu hết tập trung đầu tư nhiều vào lĩnh vực kinh doanh lưu trú (nhà nghỉ, khách sạn, nhà khách), chưa chú trọng đầu tư đúng mức để tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn; chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ và nhân viên phục vụ của các doanh nghiệp trên địa bàn chưa qua đào tạo về chuyên môn, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển.
Để bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, Đắk Lắk cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích xây dựng, hoàn thiện các khu, điểm du lịch nhằm tạo môi trường, điều kiện để khách du lịch được sử dụng các dịch vụ có chất lượng, giá cả hợp lý. Đồng thời, cần chú trọng đến công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương về tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực du lịch. |