Đảm bảo cung cầu, nhưng phải phát triển hài hòa, tăng trưởng bền vững - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh mục tiêu này khi chủ trì cuộc họp, nghe báo cáo về dự án điều chỉnh Quy hoạch ngành than đến 2020, tầm nhìn đến 2030.
Đồng bộ với đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Quy hoạch ngành than đến 2020, tầm nhìn đến 2030 được rà soát, hoàn thiện để trình lên Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định trong thời gian tới.
Quy hoạch phát triển ngành than được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 60/2012/QĐ-TTg, sau một thời gian đã được xem xét, đánh giá để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình cung cầu, cũng như sự phát triển của kinh tế-xã hội
Về cơ bản, nhu cầu than của các hộ ngoài điện biến động không lớn, nhưng than cho điện có sự điều chỉnh giảm đáng kể do việc lùi tiến độ một số nhà máy, thay đổi về nguồn và sự tham gia mạnh mẽ hơn của năng lượng tái tạo theo Chiến lược mới.
Trong khi đó, tổng tài nguyên và trữ lượng than đã có kết quả cập nhật, khoảng 48,87 tỉ tấn, gồm 2,26 tỉ tấn trữ lượng, 46,61 tỉ tấn tài nguyên, trong đó có 0,34 tỉ tấn than bùn.
Dự kiến từ nay đến năm 2030 sẽ huy động vào quy hoạch khoảng 3,09 tỉ tấn than, gồm 1,22 tỉ tấn trữ lượng và 1,87 tỉ tấn tài nguyên, trong đó có 0,06 tỉ tấn than bùn.
Trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế-xã hội, nhu cầu than phục vụ phát triển, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và các thành viên cuộc họp rà soát, thống nhất quan điểm, định hướng phát triển ngành than trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng nêu rõ tinh thần kế thừa Quy hoạch 60, nhưng điều chỉnh, bổ sung một số quan điểm mới, trong đó vừa đảm bảo cung cầu phục vụ nền kinh tế, nhưng phải phát triển hài hòa, tăng trưởng bền vững, phù hợp với thị trường than thế giới, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến phát triển du lịch, khu vực bảo tồn văn hóa.
Quy hoạch mới cũng đưa ra những mục tiêu bổ sung, phát triển ngành than Việt Nam trở thành ngành công nghiệp phát triển, có trình độ công nghệ tiên tiến ở các khâu thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng, đáp ứng cho nhu cầu than trong nước và góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường.
Mục tiêu cụ thể sẽ được điều chỉnh cả ở Bể than Đông Bắc, Bể than sông Hồng, mục tiêu công nghệ, tỉ lệ tổn thất than theo các giai đoạn...
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến tính toán cân đối cung cầu và định hướng xuất, nhập khẩu than, đảm bảo ở mọi khâu phải bám sát vào thị trường, nguồn lực thực hiện, quan điểm phát triển ngành, cũng như phù hợp với các quy hoạch liên quan, đặc biệt là các quy hoạch về năng lượng đất nước.
(Theo Nguyên Linh - Chinhphu.vn)