Là một trong những tài sản đặc thù, nên tháng cô hồn - tháng 7 âm lịch luôn là giai đoạn mà doanh nghiệp kinh doanh ô tô có doanh số thê thảm nhất. Mọi chiến dịch bán hàng bị đình trệ, doanh số tụt giảm, thậm chí những nhân viên kinh doanh được cho đi tập huấn, nghỉ mát.
Thực tế, như các năm trước, người có nhu cầu mua xe vẫn có thể ký hợp đồng tháng cô hồn và đợi giao xe tháng 8, tháng 9 âm. Nhưng năm nay, không nhiều người làm như vậy. Showroom vắng lặng, đại lý ngồi cả ngày không có khách hỏi thăm xe là chuyện rất bình thường.
Vắng lặng tại nhiều điểm kinh doanh xe trong tháng cô hồn |
Dân buôn xe mới hết việc tháng cô hồn
Theo lý giải của anh Ký, đại lý kinh doanh xe tại Mỹ Đình: Mọi năm khách mua xe phải ký hợp đồng từ 3 - 6 tháng mới nhận được xe nhưng năm nay nhiều đại lý có thể giao xe ngay hoặc độ trễ giao xe chỉ 20 ngày. Cạnh tranh về giá là một phần, cạnh tranh về tiến độ giao hàng cũng là điều được đặc biệt quan tâm bởi thị trường xe hơi hiện nay đang mở, xe ngày một nhiều hơn.
Theo anh Mạnh Tường, nhân viên kinh doanh của hãng xe lớn tại Tây Hồ, Hà Nội cho hay: Thường tháng 7, các đại lý xe có phát sinh doanh số thấp, nhiều nơi là âm.
"Các hãng thay vì tích cực lập dự toán doanh số, họ đi vào thực hiện ưu đãi bảo dưỡng, bảo trì đối với xe của khách hàng. Trước kia thì ít người đến bảo hành nhưng nay con số này đã tăng lên nhiều hơn", anh Tường nói.
Theo tìm hiểu của PV Dân Trí, khá nhiều showroom, đại lý bán xe hơi đóng cửa trong tháng được gọi là cô hồn này bởi thực tế họ không có khách mua. Đối với những đại lý của tập đoàn lớn, tháng này họ được cho đi tập huấn, nghỉ mát hoặc học về các kế hoạch kinh doanh.
Còn đối với các đại lý ô tô nhỏ, nhân viên được đẩy đi để tiếp thị khách hàng hoặc chăm sóc khách hàng mua xe thân thiết trước đó để đẩy mạnh chiến dịch hậu bán hàng.
Không nhiều người có ý định mua xe mới trước rằm tháng 7 âm lịch |
"Thường tháng ngâu, biết tâm lý của khách nên hầu hết đại lý không hạ giá hoặc khuyến mãi nhiều để ganh đua doanh số bởi rất ít người quan tâm chuyện giảm tiền bao nhiêu để mua xe trong thời điểm này. Mặc dù chưa có chứng minh nào cho thấy mối liên hệ tháng 7 âm - tháng cô hồn khiến nhiều điều rủi ro đối với người mua xe, song tâm lý của xã hội, của người Á Đông đã ảnh hưởng đến tập quán kinh doanh, mua sắm", một đại lý kinh doanh xe ở đường Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội cho biết.
Trên thực tế, trong tháng 7 vẫn xuất hiện hàng loạt các chương trình khuyến mãi của hãng xe, đại lý. Ví dụ Honda vẫn duy trì giảm giá 200 triệu đồng đối với xe CRV, Mitsubishi vẫn giảm giá rất mạnh từ 50 - 80 triệu đồng đối với các xe dòng SUV nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái hoặc Nhật về Việt Nam; với Mazda nhiều dòng xe này vẫn thực hiện chiến dịch giảm giá như các tháng trước đó. Tuy nhiên, đây chỉ là hình thức kéo dài trong các chiến dịch giảm giá trước đó.
Dừng các chương trình giảm giá tháng cô hồn
"Khá ít đại lý, hãng xe mở chiến dịch giảm giá trong tháng cô hồn. Nếu có giảm cũng không đạt doanh số kỳ vọng vừa lại tự đẩy mình vào thế phải giảm sâu hơn khi hết tháng. Mọi doanh nghiệp, đại lý vẫn nghe ngóng nhau để bước vào cuộc chiến giảm giá sau đó và vì thế nhiều nhân viên đại lý được cho đi học tập, bồi dưỡng kiến thức trong tháng để chờ đánh quả lớn tháng sau", anh Minh Vũ, nhân viên kinh doanh xe trên đường Dương Đình Nghệ cho hay.
Không bán hàng trong tháng 7 âm, song nhiều đại lý vẫn nhập xe về bởi sau tháng cô hồn là các đại lý xe bước vào cuộc đua giảm giá, đua doanh số quý IV, thời điểm được xem là quyết định nhất của chiến dịch mua sắm cuối năm.
Tình trạng vắng lặng trong tháng cô hồn đối với dân kinh doanh xe hơi là điều dễ hiểu, quan niệm dân gian tháng cô hồn tránh mua nhà, mua xe đã ăn sâu vào tập quán mua sắm của người dân Việt Nam. Nhà đất trong tháng cô hồn còn được nhiều người hỏi thăm, giao kết trong tháng này, còn ký chính thức sau tháng 7 âm. Còn đối với xe hơi, phương tiện thường hay di chuyển, có sự may rủi thì người dân khá hạn chế mua, nhất là đối với xe cũ, đã qua sử dụng.
Anh Minh Khang, đại lý ô tô tại Mỹ Đình cho hay: "Tháng 7 âm, ngoài rằm trở ra mới có khách, nhưng số đặt mua không nhiều, mọi năm còn có người mua, năm nay từ đầu tháng chưa phát được đơn hàng nào".
Xã hội hiện đại, những ám ảnh, duy tâm tín ngưỡng về tháng cô hồn đen đủi dần được nhiều người xem nhẹ hơn. Thậm chí tháng cô hồn, nhiều cửa hàng quần áo còn thực hiện hàng loạt chiến dịch giảm giá 50% - 70%, khiến doanh số đạt được rất cao. Tuy nhiên, đối với hai loại tài sản gắn bó thường trực đối với người dân là xe và nhà thì luôn có doanh số bán ra cực thấp.
Nguyễn Tuyền / dantri