“Tổng cục Năng lượng bật đèn xanh, vẽ đường cho hươu chạy, cho độc quyền nhập, lại độc quyền phân phối, sao nền kinh tế chịu được?”, ông Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án Than đồng bằng sông Hồng – Vinacomin đặt câu hỏi trong cuộc trao đổi với BizLIVE.
Nhà máy nhiệt điện Vũng Ánh 1. Ảnh TL
Chỉ định làm méo mó thị trường
Mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng yêu cầu PVN chỉ đạo chủ đầu tư nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 tập trung mua than của TKV sản xuất đồng thời chủ động làm việc với TKV để ký hợp đồng mua bán than năm 2016. Tuy nhiên, giá than của TKV giao đến nhà máy cao hơn giá than nhập khẩu các doanh nghiệp khác chào bán. Từ chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Năng lượng đến thực tế chênh lệch giá than cho thấy điều gì, thưa ông?
Theo tôi, việc cấp than cho điện không nên mang tính chất chỉ định vì không “fair” giữa các doanh nghiệp với nhau. Chỉ đạo của Tổng cục Năng lượng là không thoả đáng vì thị trường than là thị trường kinh doanh không có điều kiện.
Ở Việt Nam, năm 2014 có tới hơn 800 hợp đồng nhập khẩu than của hơn 120 doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu than được ký kết, với tổng số than nhập khẩu gần 3,1 triệu tấn. Năm 2015 có hơn 400 hợp đồng nhập khẩu than của hơn 90 doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu than được ký kết với tổng số than đã nhập khẩu gần 7 triệu tấn.
Như vậy, thị trường than của Việt Nam đang hình thành và phát triển theo đúng nghĩa của một thị trường không có độc quyền và quan trọng là có mức độ hội nhập ngày càng rộng.
Vì vậy, không nên đưa ra những ý kiến mang tính chất chỉ định làm méo mó thị trường, và “dội gáo nước lạnh” hay đâm vào lưng các doanh nghiệp tư nhân như vậy. Điều này còn trái với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong dịp gặp mặt các doanh nghiệp cuối tháng 4 vừa qua.
Chỉ định như thế này có thể PVN cũng không thích, tại sao bắt PVN mua than giá cao trong khi có than giá rẻ của các nước ngay trong khu vực, bản thân TKV cũng đi nhập than giá rẻ về trộn và bán cho nhà máy nhiệt điện.
Mặt khác, đằng sau PVN hay EVN là người dùng điện, PVN hay EVN cũng phải có trách nhiệm đảm bảo giá điện cạnh tranh cho người dùng.
Tại sao giá than Việt Nam đắt hơn giá than nhập khẩu, khi giá than thế giới đang giảm thay vì khai thác than trong nước tại sao không tăng cường nhập khẩu để tiết kiệm tài nguyên?
Điều kiện mỏ địa chất của Việt Nam phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với Indonesia, Úc kể cả so với Nga cho nên “bám lấy” than trong nước để đảm bảo an ninh năng lượng là không đúng, thậm chí là sai lầm.
An ninh năng lượng trước tiên phải được hiểu là tiệm cận được các nguồn năng lượng rẻ tiền, không có nước nào chỉ dựa vào nguồn năng lượng "nhà trồng được" để đảm bảo an ninh năng lượng. Nếu dựa vào than trong nước thì nền kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... đã bị phá sản từ lâu.
Thị trường than thế giới cũng như thị trường dầu mỏ đã hình thành từ mấy chục năm nay, các nước có nhu cầu xuất, Việt Nam có nhu cầu nhập. Vấn đề nhập như thế nào, chẳng hạn, nên phân tán nguồn nhập, không nhập từ một nguồn để tránh rủi ro và không bị phụ thuộc. Trong tình hình hiện nay, việc nhập khẩu than từ Úc, Indonesia, Nga… còn đảm bảo an ninh năng lượng hơn so với việc chỉ trông chờ vào TKV.
TKV từng lý sự gần 20 năm nay, than trong nước không dùng mà xuất được đắt thì xuất. Bây giờ, than trong nước không đủ cấp, cũng theo lý này, than nhập khẩu rẻ hơn thì nên nhập về.
Ông Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án Than đồng bằng sông Hồng
Theo tôi, không thể lấy lý do duy trì việc làm để “nuông chiều” doanh nghiệp độc quyền nhà nước. Có thể, mấy vạn thợ mỏ sẽ sớm mất thu nhập hơn, nhưng hàng vài chục triệu người được hưởng lợi do đẩy mạnh nhập khẩu than. Thị trường cần sòng phẳng ở cấp vĩ mô.
Với tình hình hiện nay, thủy điện bị hạn chế, nhiệt điện phải tăng, EVN và PVN nhập dầu về đốt thậm chí hiệu quả hơn mua than của TKV, xét về môi trường và một số yếu tố khác…
Thêm nữa, tại sao chúng ta không tận dụng cơ hội này, giá dầu xuống, địa chính trị đang tạo cơ hội để chúng ta tận hưởng nguồn thiên nhiên ưu đãi của các nước khác, phần nào bù lại những thiệt hại do chúng ta xuất khẩu than và dầu mỏ mấy chục năm qua.
Lợi ích nhóm?
TKV hiện cũng đang nhập khẩu than, nếu theo tinh thần của lãnh đạo Tổng cục Năng lượng không phân biệt rõ nhập khẩu hay khai thác phải chăng đánh đồng vì có thể than TKV bán lại cho nhà máy lại là than nhập, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Đây cũng là 1 vấn đề “nhập nhèm” giữa than trong nước và nhập khẩu trong khi than trong nước đắt hơn, chất lượng kém hơn, than nhập chất lượng tốt, giá rẻ hơn.
Nếu, TKV nhập than về hoà trộn để bán cho PVN hay EVN theo giá chỉ đạo của Tổng cục Năng lượng thì chết nền kinh tế. Chỉ đạo này dung túng chuyện làm ăn không cần phấn đấu, nâng cao hiệu quả sản xuất tại TKV.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, tồn kho của TKV cần xem lại, tại sao là con số 10 triệu tấn? 10 triệu tấn than chất lượng kém phải chăng lấy trộm, lấy cắp than tốt bán ra ngoài, sau đó đổ đất, đá vào nên độ tro lên đến 30-40%, thế giới không có nước nào antracite có độ tro lớn như vậy.
Nhà nước phải thanh tra việc này, than hình thành trong lòng đất mấy trăm triệu năm, tại sao đến khi TKV khai thác lại có nhiều đất đá bị lẫn vào làm cho độ tro cao đến như vậy? Than cấp cho nhiệt điện mà có độ tro cao như than của TKV vẫn cấp là “giết” ngành điện.
Tổng cục Năng lượng bật đèn xanh, vẽ đường cho hươu chạy, cho độc quyền nhập, lại độc quyền phân phối như trường hợp của TKV cho PVN, sao nền kinh tế chịu đựng được?
Mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp nhưng chênh lệch này theo đó người dân đang phải bù hàng nghìn tỷ đồng cho TKV thông qua giá điện, theo ông cần có biện pháp như thế nào để khắc phục?
Không nên ban hành những ý kiến chỉ đạo như của Tổng cục Năng lượng. Hãy để các doanh nghiệp kể cả PVN, TKV làm đúng theo thị trường, không nên dựa vào những văn bản mang tính chất pháp quy của nhà nước để điều chỉnh thị trường một cách chủ quan. Các cơ quan quản lý nhà nước càng không nên ban hành những văn bản thể hiện lợi ích nhóm một cách lộ liễu như vậy.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Thảo / BizLIVE