Không được lựa chọn nhà mạng, phải nộp thêm phí lắp đặt do hạ tầng cũ khiến nhiều gia đình ở chung cư rất khó sử dụng Internet.
Ảnh minh họa. |
Chị Nguyễn Liên ở Trung Văn, Hà Nội, rất cần đăng ký dịch vụ Internet tại căn chung cư mới thuê vì thường xuyên phải làm việc tại nhà. Căn chung cư nằm trong một khu đô thị đã xây dựng và hoàn thiện từ lâu nhưng việc lắp Internet lại gây nhiều bực bội cho chị. Tòa nhà chị ở chỉ có một nhà cung cấp dịch vụ duy nhất, lại sử dụng công nghệ rất cũ là cáp đồng. Tệ hơn, người phụ trách còn thông báo với chị là không thể đăng ký mới vì lý do "hết cổng".
Thất vọng vì không thể đăng ký mới, chị Liên hỏi các gia đình xung quanh để đề nghị sử dụng chung. Nhưng công nghệ cáp đồng có tốc độ rất chậm, không ổn định nên việc sử dụng cho nhiều máy cùng lúc không tốt, đặc biệt là cho công việc cần cập nhật dữ liệu liên tục của chị.
Trong lúc chán nản, chị được một người bạn khuyên có thể sử dụng 4G. Chuẩn kết nối mới nhanh và ổn định hơn khá nhiều so với 3G trước đây trong khi giá cước khá tốt. Chị Liên sau đó quyết định mua một bộ phát Wi-Fi dùng sim 4G có giá hơn một triệu đồng và sử dụng gói cước của một nhà mạng với phí 200.000 đồng mỗi tháng với lưu lượng khoảng 20 GB.
"Cước phí tương đương gói cáp quang vào loại thấp nhất trên thị trường nhưng tốc độ khá ổn và còn cao hơn mấy gia đình dùng cáp đồng ở cùng tòa nhà", chị Liên hào hứng chia sẻ. Không chỉ vậy, chị còn có thể mang theo bộ phát để sử dụng Internet tại nhiều nơi mà không phải phụ thuộc vào Wi-Fi của các địa điểm ghé thăm.
Đồng cảnh ngộ với chị Liên, anh Minh Quân, ở một tòa chung cư mới gần đường Trần Duy Hưng (Hà Nội) cũng cho biết mới phải dùng bộ phát 4G thay vì lắp cáp quang. "Liên hệ với nhà cung cấp thì được thông báo phải nộp thêm phí lắp đặt cáp quang gần 2 triệu đồng do phải kéo dây hay lắp thêm bộ chuyển gì đó. Tôi thấy chi phí này không hợp lý nên không ký hợp đồng với họ", anh Quân nói.
4G có ưu điểm về độ cơ động. |
Không giống như nhà đất, các gia đình sống ở chung cư ít có sự lựa chọn về các dịch vụ giải trí như truyền hình hay Internet. Mỗi tòa nhà thường chỉ có tối đa hai nhà cung cấp, cá biệt, một số tòa nhà cũ chỉ có một đơn vị cung cấp. Hạ tầng đầu tư nhiều nơi không đồng bộ nên hay xảy ra tình trạng hết cổng, đấu nối thêm tài khoản sử dụng gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, theo anh Quân, việc sử dụng 4G không phải chỉ có ưu điểm. Nếu người dùng thường xuyên có nhu cầu xem phim trực tuyến, xem Youtube với cường độ nhiều thì chi phí 4G khá cao so với cáp quang bởi các gói cáp quang có lợi thế không giới hạn dung lượng. Hơn nữa, sóng 4G tại một số khu vực không mạnh nên tốc độ không ổn định, bộ phát phải đặt gần cửa sổ, ban công mới có thể thu sóng tốt. Nếu gia đình sử dụng nhiều máy thì cáp quang vẫn là lựa chọn ưu việt hơn.
Hầu hết các nhà mạng tại Việt Nam đều đã triển khai dịch vụ 4G. Giá cước không có sự chênh lệch quá lớn. Nếu người dùng sử dụng tại nhà, nên tham khảo và thử nghiệm trước về cường độ sóng tại nơi mình sinh sống để chọn nhà cung cấp hợp lý.
Với gói cáp quang có giá thuê bao khoảng 200.000 đồng/tháng, tốc độ tải về vào khoảng gần 30 Mb/giây. Cùng mức giá này người dùng sử dụng được gói 4G có dung lượng 20 GB, hết dung lượng sẽ giảm tốc độ. Tốc độ thử nghiệm với các smartphone đời mới vào khoảng 17 đến 20 Mb/giây còn với các bộ phát có giá khoảng trên một triệu đồng, tốc độ vào khoảng 10 Mb/giây.
Theo VnExpress