Việc nhiều người "vét sạch" thực phẩm, nhu yếu phẩm tại các siêu thị ở Hà Nội được cho là thái độ cực đoan, gây bất bình và bị cộng đồng phản đối mạnh mẽ.
Sau thông tin bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội, nhiều người đã vội vã đi tìm mua thực phẩm dự trữ cho những ngày tới.
Chia sẻ với PV, nhiều người dân cho biết, diễn biến của ca nhiễm mới này có nhiều phức tạp. Vì thế, họ đi mua thực phẩm về ăn dần, tránh phải ra ngoài.
Người dân đi mua hàng tại các siêu thị
Sáng nay (7/3), các trung tâm thương mại và siêu thị Hà Nội đang trong tình trạng quá tải.
Theo ghi nhận của PV, người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên thực phẩm tươi sống trước. Mặt hàng thực phẩm hết đầu tiên là thịt lợn. Mua hết thịt lợn, người dân lại xếp hàng tại quầy cá để chờ mua. Sau đó mới đến các mặt hàng đồ khô như mì tôm, cá hộp. Loại thực phẩm cuối cùng là rau xanh, gạo và đồ đông lạnh.
Mua quá nhiều mì tôm nếu không ăn hết sẽ vô cùng lãng phí
Ngoài các loại thực phẩm, mặt hàng giấy ăn cũng bị người dân mua nhiều. Tại một siêu ở khu vực Cầu Giấy, trung bình mỗi xe đẩy mua hàng trong đây đều có 2 bịch giấy vệ sinh và 2 thùng mì tôm.
Mua đồ khó khăn, người dân còn phải xếp hàng rất dài và chờ lâu mới có thể thanh toán được.
Thái độ cực đoan này đã khiến rất nhiều người tỏ ra bất bình. Trên mạng xã hội, làn sóng kêu gọi mọi người cần có thái độ bình tĩnh để ứng phó với dịch.
Theo đó, cư dân mạng đang hô hào nhau không đổ xô đi mua nhu yếu phẩm để tránh tình trạng khan hàng và cho người có nhu cầu có thể sử dụng. Hơn nữa, việc gom hàng như vậy rất dễ dẫn đến tình trạng bị đẩy giá, do sản xuất chưa theo kịp nhu cầu thị trường.
Việc tích trữ khiến hàng hoá có thể bị đẩy giá, người thiệt chính là người tiêu dùng
Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) vừa có văn bản gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu xử lý kịp thời hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom...
Dân mạng đang kêu gọi người dân không nên gom mua hàng nhu yếu phẩm
Các mặt hàng được đặc biệt lưu ý là lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược, các loại vật tư, trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chống dịch và chữa bệnh trong điều kiện thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh Covid-19.
Nếu phát hiện các hành vi nói trên có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.