Nhiều hộ dân trồng đào ở Nghệ An đang tất bật những bước chăm sóc cuối cùng để cung ứng ra thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Với vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc, đào phai Nghệ An ngày càng hấp dẫn nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh, đem về nguồn thu đáng kể cho người dân nơi đây trong mỗi dịp Tết đến xuân về.
Bà con trồng đào xã Kim Thành tập trung chăm sóc cho cây kịp phục vụ Tết Nguyên đán
Giống đào phai ở Nghệ An dù đã có từ lâu nhưng mới được phát triển gần 10 năm trở lại đây. Với đặc trưng hoa đơn, màu sắc không thắm đỏ như đào Nhật Tân nhưng lại có nhiều hoa, mùi hương đặc biệt xen lẫn nhiều lộc non nên đào phai trồng ở xã Kim Thành - huyện Yên Thành rất hấp dẫn khách hàng trong và ngoài tỉnh đến mua tận vườn. Hiện toàn xã có hơn 300 hộ dân trồng đào, trong đó hộ nhiều có tới cả nghìn gốc, hộ ít cũng dăm chục gốc.
Ông Chu Văn Mạnh ở xóm Hồng Liên, xã Kim Thành, huyện Yên Thành cho biết, gia đình ông có gần 1 mẫu đất trồng đào phai. Xác định đây là thời kỳ cao điểm nên 2 vợ chồng ông chia nhau người ngoài đồng, người trong vườn để chăm sóc, tỉa cành, vặt lá cho hơn 500 gốc đào hiện có của gia đình. Rút kinh nghiệm năm ngoái trời rét đậm, đào nở muộn nên gia đình thất thu một khoản tương đối, nên năm nay ông rất để ý cũng như phán đoán thời tiết.
Theo chia sẻ của ông Mạnh: “Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình trong một năm. Để chuẩn bị thu hoạch thì giai đoạn từ trung tuần tháng 10 đến Tết Nguyên Đán, gia đình đã phải khẩn trương làm cỏ, tỉa cành, vặt lá để đào nở đúng dịp Tết. Năm ngoái vườn Đào phai này cho gia đình thu nhập đến gần cả trăm triệu đồng vào dịp Tết…”.
Nói về kế hoạch hỗ trợ bà con trồng đào tại địa phương, ông Nguyễn Văn Quân - Chủ tịch UBND xã Kim Thành, huyện Yên Thành - cho biết: “Hiện, xã tập trung chỉ đạo cùng với bà con hướng dẫn các lớp tập huấn tạo điều kiện cho bà con định hướng, nếu thời tiết lạnh quá thì phải đốn, kích thích để hoa nở đúng dịp Tết. Nếu thời tiết ấm quá thì phải hãm để đảm bảo cung cấp hoa trong dịp Tết sắp tới.”
Để những gốc đào của gia đình có thể nở đúng dịp Tết Nguyên đán, hơn hai tuần nay, ngày nào ông Hồ Viết Lý, xã Kim Thành, huyện Yên Thành cũng ra vườn đào, tất bật chăm sóc, theo dõi sát sao cây đào. “Thời điểm này năm ngoái, do thời tiết nắng ấm nên nhiều gốc đào của gia đình đã bung nở sớm hơn một tuần làm giảm nguồn thu nhập của gia đình. Tuy nhiên, năm nay thời tiết thuận lợi hơn nên hứa hẹn các gốc đào sẽ nở đẹp đúng dịp Tết Nguyên đán. Trung bình mỗi cành đào phai bán dịp Tết có giá từ 200-300 ngàn đồng. Những gốc đào đẹp sẽ có giá từ 1-3 triệu đồng. Những gốc đào đẹp có thể được những người chuộng chơi đào Tết đến tận vườn đặt trước cả tháng".
Không chỉ có những người trồng đào phai ở xã Kim Thành - huyện Yên Thành mà nhiều gia đình trồng đào khác tại xóm 8 và 9, xã Nam Anh - huyện Nam Đàn cũng đều đang tập trung cho việc chăm sóc đào Tết, bởi đã từ lâu đây được xem là nguồn thu nhập kinh tế của nhiều gia đình trong dịp Tết Nguyên đán. Cùng với trồng đào bán trong dịp Tết, nhiều hộ dân xã Nam Anh còn chú trọng ươm các cây đào giống để cung cấp giống cho các vùng phụ cận, mỗi cây giống có giá từ 25-50 ngàn đồng.
Nam Anh là xã bán sơn địa, kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào cây trồng hoa màu, nhưng với lợi thế vùng đất đồi ở hai xóm 8 và 9 nằm sát dưới chân núi Đại Tuệ, thổ nhưỡng hợp với cây đào phai nên nhiều hộ dân đã trồng đào cung ứng cho dịp Tết từ nhiều năm nay; nhà nào trồng ít thì 5 - 7 gốc trong vườn, nhiều gia đình có diện tích đất đồi lớn thì trồng 30-80 gốc. Hiện nay, toàn xã Nam Anh có khoảng gần 200 hộ trồng đào phai tập trung ở xóm 8 và xóm 9 với diện tích gần 40ha, đây được xem là vùng cung cấp đào phai lớn cho thị trường dịp Tết Nguyên đán ở Nghệ An.
Cây đào ở xã Nam Anh chủ yếu là giống đào phai tự nhiên, hoa có 5 cánh, màu phớt hồng, cành và hoa đều phóng khoáng, bắt mắt nên được nhiều người ưa chuộng. Cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, các thương lái từ TP. Vinh và các vùng phụ cận cũng như những người chuộng chơi đào tết lại đổ dồn về xã Nam Anh để chọn mua đào phai.
Đào phai Nam Anh mang đặc trưng riêng thu hút người chơi đào
Theo nhiều người dân có kinh nghiệm trồng đào phai lâu năm, ưu điểm của loại đào phai xã Nam Anh là dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh, không phải cầu kỳ trong việc uốn thế từng cành; cây đào phai lại phù hợp với thổ nhưỡng những vùng đất đồi bán sơn địa. Ngoài việc căn thời gian để bón phân, tuốt lá và ươm cây thì người trồng đào không phải đầu tư quá nhiều công sức và thời gian chăm sóc.
Ông Nguyễn Thúc Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Anh, huyện Nam Đàn (Nghệ An) cho biết: “Đào phai xã Nam Anh được biết đến là loại đào đẹp và được người dân rất ưa chuộng trong dịp Tết từ nhiều năm nay. Bởi vậy, các hộ dân trồng đào không lo ở đầu ra mà chỉ lo lắng liệu thời tiết ở từng năm có thuận lợi cho đào phai nở đúng dịp Tết Nguyên đán hay không. Mặc dù đây không phải là cây trồng chính nhưng hiệu quả kinh tế từ cây đào phai mang lại cho người dân xã Nam Anh là rất lớn, nhiều hộ thu nhập từ 40-60 triệu đồng/vườn/năm. Thời gian tới, chính quyền xã Nam Anh sẽ tiếp tục chỉ đạo các hộ dân mở rộng diện tích cây đào phai, đồng thời tích cực triển khai việc quảng bá, xây dựng thương hiệu đào phai Nam Anh để góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương”.
Người dân trồng đào phai ở Kim Thành, Nam Anh nói riêng và các vùng trồng đào phai khác ở Nghệ An đều đang tất bật chăm sóc với hy vọng sẽ có một mùa hoa Tết thắng lợi.
Hoàng Trinh / baocongthuong