Nhiều trường cao đẳng áp dụng mô hình học 9+ đã có những chia sẻ về thách thức cũng như cơ hội đối với người học.
Luật Giáo dục 2019 được thông qua tạo nhiều cơ hội “thông thoáng” hơn cho học sinh tốt nghiệp THCS được tham gia giáo dục nghề nghiệp kết hợp với học văn hóa, liên thông lên trình độ cao hơn.
Nhiều cơ hội việc làm hơn cho học sinh
Trao đổi với PV, bà Phạm Thị Hường - Hiệu trưởng trường Cao đẳng công nghệ Hà Nội - cho biết, mô hình 9+ có những ưu điểm dành cho học sinh THCS, đặc biệt là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hay việc học văn hóa không được tốt.
Theo bà Hường, việc học nghề có thể giúp các em có thể rút ngắn thời gian đào tạo và gia nhập thị trường lao động sớm ngay từ khi 18 tuổi. Ba năm sau khi học, các em sẽ có 2 bằng tốt nghiệp trung học phổ thông và bằng cấp nghề.
Sinh viên hệ cao đẳng đang tiếp cận với thiết bị đào tạo của nghề Kỹ thuật máy lạnh điều hoà. (Ảnh: P.C)
Cũng theo bà Hường, số lượng tuyển sinh của trường năm nay đã cao hơn so với năm 2019 tới gần 100 em. Qua 2 năm đào tạo, hầu hết các em học sinh đều lựa chọn những ngành nghề phù hợp với năng lực và khả năng của bản thân.
Nhiều em theo học ngành công nghệ thông tin, tuy nhiên với một số ngành nghề như hàn, điện tử công nghiệp các em hầu hết không đăng kí học vì đòi hỏi yêu cầu cao.
Còn theo ông Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, với hình thức vừa học văn hóa vừa học nghề này, các em sẽ có cơ hội được trải nghiệm nghề ngay trong thực tiễn, kích thích sự sáng tạo đối với học sinh.
“Tổng số học sinh theo học mô hình 9+ này tại trường là gần 1.000 học sinh. Nhiều em theo học hình thức này tỏ ra rất thích thú và ngày càng trưởng thành hơn trên con đường học nghề”, ông Khánh cho hay.
Cần sự thông suốt nhận thức
Cũng theo ông Phạm Xuân Khánh, một trong những vấn đề khi áp dụng mô hình học 9+ là do sự hợp tác với các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp.
“Vấn đề quản lý khi học văn hóa trực thuộc Bộ giáo dục và đào tạo. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải hợp tác với các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, có chức năng dạy văn hóa. Hai đơn vị này hợp tác không tốt sẽ không đảm bảo được chất lượng, hiệu quả, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến người học”. ông Khánh thông tin.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Phạm Thị Hường chia sẻ: “Hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quản lý học sinh theo mô hình 9+ sẽ khó khăn hơn so với các trường trung học phổ thông do có nhiều đối tượng vào học khác nhau”.
Theo đó, các em vừa phải học văn hóa vừa phải học nghề với 70% là thời gian thực hành cũng là một sức ép. Với loại hình này khi đi đào tạo tại các doanh nghiệp là một vấn đề khó khăn bởi các em dưới 18 tuổi.
“Vì vậy nhà trường cần chú trọng đầu tư hơn vào trang thiết bị, cơ sở vật chất để các em có thể được thực hành trực tiếp ngay tại trường” - bà Phạm Thị Hường nói.
Tại trường Cao đẳng Công nghệ và thương mại Hà Nội, mô hình đào tạo 9+ đã được áp dụng trong 2 năm nay.
Ông Nguyễn Xuân Sang - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ và thương mại Hà Nội - cho biết: “ Khó khăn lớn nhất hiện nay để những em có mong muốn học nghề, đó là vấn đề tâm lí của cha mẹ học sinh. Nhiều bậc làm cha mẹ vẫn quan niệm học đại học là con đường duy nhất để con em mình tạo dựng cuộc sống sau này, vì vậy điều này có thể khiến nhiều em bỏ lỡ cơ hội lập nghiệp.
Theo đó, vấn đề giải quyết tâm lý của cha mẹ học sinh là một trong những vướng mắc về đào tạo mô hình 9+. Ông Nguyễn Xuân Sang cho rằng, nếu cha mẹ hiểu được thì có thể giải tỏa áp lực, đáp ứng nhu cầu mong muốn của con em.