Nhiều ý kiến cho rằng những thay đổi trong quy chế đào tạo tiến sĩ mới được Bộ GD-ĐT ban hành là cần thiết để nâng cao chất lượng tiến sĩ, song vẫn còn nhiều điểm chưa triệt để.
Cần thiết để nâng cao chất lượng
Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ vừa được Bộ GD-ĐT ban hành được nhiều ý kiến khẳng định là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng tiến sĩ trong bối cảnh hiện nay.
PGS.TS Phạm Thanh Phong (Trường ĐH Tôn Đức Thắng, hiện là Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Dongguk, Hàn Quốc) khẳng định, với những điểm mới như nâng cao tiêu chuẩn đầu vào, đặt ra tiêu chuẩn công bố khoa học quốc tế đối với cả NCS lẫn người hướng dẫn cho thấy "đã có nhiều tiến bộ nhằm nâng cao chất lượng tiến sĩ trong tình hình hiện nay".
Số lượng tiến sĩ được đào tạo trong từng năm. Đồ hoạ: Lê Văn |
Chia sẻ quan điểm này, GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐHQH Hà Nội cho rằng, quy chế mới trong đào tạo tiến sĩ đã có tiến bộ so với trước khi yêu cầu NCS phải có 2 bài báo quốc tế trong đó có ít nhất 1 bài ISI hoặc Scopus.
Theo ông Đức, đây là lần đầu tiên công bố quốc tế, nhất là công bố quốc tế trên các tạp chí thuộc danh mục ISI và Scopus được chính thức đưa vào một quy chế thống nhất chung cho toàn bộ các chương trình đào tạo tiến sĩ, dù trước đó ở nhiều cơ sở đào tạo đã áp dụng.
Việc đặt ra những tiêu chí chặt chẽ hơn cũng sẽ làm giảm quy mô đào tạo tiến sĩ nhằm tăng chất lượng, nhất là trong tình hình hiện nay. Ông Đức đưa ra thống kê tại ĐHQG Hà Nội cho thấy, cứ 5 NCS ngành KHXH-NV thì mới có 1 NCS ngành KHTN. "Phải quy định chặt chẽ mới có thể giảm được tỉ lệ này".
Chất lượng đào tạo tiến sĩ trở thành vấn đề được dư luận quan tâm, đặc biệt là từ sau thông tin số lượng lớn các luận án tiến sĩ "ra lò" tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam trở thành đề tài tranh cãi.
Đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến việc "siết chặt" tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ nhận được sự ủng hộ của xã hội cũng như giới học thuật.
Trao đổi VietNamNet, bà Nguyễn Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GD ĐH, Bộ GD-ĐT cho biết, trước khi ban hành quy chế, đã lấy ý kiến đại diện các cơ sở đào tạo, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, các chuyên gia đồng thời đã đăng mạng để lấy ý kiến xã hội… và hầu hết đều đã đồng thuận.
Công bố quốc tế nào hợp lệ?
GS Nguyễn Đình Đức, cùng với yêu cầu NCS và người hướng dẫn phải có công bố ISI hoặc Scopus, việc quy chế mới đưa vào 2 tiêu chí thay thế là “2 báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế” hoặc “2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài” là vẫn còn thấp và chưa đáp ứng được kỳ vọng nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ của xã hội.
Theo ông Đức, thực chất, quy định mới chỉ yêu cầu các nghiên cứu sinh (NCS) có 2 bài viết bằng ngoại ngữ mà không yêu cầu về chất lượng của tạp chí nước ngoài. “Tiêu chuẩn bài báo quốc tế này hoàn toàn có thể biến hóa được” – ông Đức lo lắng.
Nhiều ý kiến đồng tình với băn khoăn của ông Đức. TS Lê Tiến Dũng, một người có nhiều thời gian trải nghiệm tại các cơ sở đào tạo nghiên cứu sau ĐH ở nước ngoài, thậm chí cho rằng, đây sẽ là “kẽ hở cho tiêu cực”.
“Ai sẽ là người đánh giá và ghi nhận “tạp chí/bài báo quốc tế có phản biện?” – ông Dũng nêu vấn đề. “Nếu chúng ta không thể xây dựng được tiêu chuẩn thế nào là tạp chí quốc tế có phản biện thì nên dựa trên một tiêu chuẩn đã được chấp nhận rộng rãi”.
Đề xuất giải pháp, PGS.TS Phạm Thanh Phong cho rằng, Bộ GD-ĐT nên liệt kê danh mục các tạp chí uy tín từ danh mục ISI hoặc Scopus được chấp nhận để các cơ sở đào tạo hướng dẫn NCS thực hiện.
Còn ông Phạm Hiệp, NCS tại ĐH Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan cho rằng, các tạp chí ISI và Scopus là chuẩn tốt song không có nghĩa là tạp chí ngoài 2 danh mục này thì không tốt. Tuy nhiên, ông Hiệp đề xuất các trường, thậm chí là các khoa và các chương trình tiến sĩ phải lựa chọn và công bố danh mục tạp chí KH được chấp nhận cho NCS biết.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng giải thích rằng, so với quy chế hiện hành của Việt Nam thì quy định của quy chế mới đã cao hơn. Tuy nhiên, việc cao đến đâu thì cần phải được cân nhắc trên thực lực của cơ sở đào tạo để các quy định mang tính định hướng nhưng không quá xa rời thực tế, vẫn có cơ sở và khả thi trong phạm vi áp dụng.
Quy chế quy định một số chuẩn chất lượng tối thiểu, không phân biệt ngành nghề. Tuy nhiên, với các ngành đã có điều kiện hội nhập cao, các cơ sở đào tạo có thể quy định cao hơn chuẩn tốt thiểu chung của quy chế để khẳng định chất lượng đào tạo.
"Đó cũng là cách thức điều chỉnh pháp luật trong điều kiện đang đẩy mạnh tự chủ đại học, đảm bảo quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo tiến sĩ và phát triển nền học thuật “không biên giới”, giảm thiểu các điều kiện đặc thù" - bà Phụng cho hay.
Có quan tâm tới quá trình đào tạo?
GS Nguyễn Đình Đức cho rằng, quy định mới chỉ mới chú trọng tới yếu tố “đầu ra” của NCS mà chưa có những quy định cụ thể để có thể kiếm soát chất lượng trong quá trình đào tạo.
“Chúng ta chỉ quan tâm tới chiếc bánh mì nặng bao nhiêu, mùi thơm ra sao mà không quan tâm tới quá trình làm ra chiếc bánh có chất lượng hay không thì chưa ổn” – ông Đức so sánh.
Ông Đức cho biết, trong quy định đào tạo tiến sĩ mà ĐHQG Hà Nội đang soạn thảo có quy định chi tiết quy trình đào tạo, từ báo cáo trong các seminar cho tới việc tham gia trợ giảng, hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp của các NCS.
“Nếu phó thác toàn bộ cho cơ sở đào tạo thì không ổn vì đơn vị nào chẳng muốn có nhiều NCS? Trong khi đó, nếu không có quy định cụ thể thì khi Bộ kiểm tra sẽ căn cứ vào đâu?” – ông Đức nêu vấn đề.
Giải thích về điểm này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng, quy chế được xây dựng theo hướng quy định các chuẩn tối thiểu và khuyến khích các cơ sở đào tạo phấn đấu, cạnh tranh để nâng chuẩn, nâng cao chất lượng đào tạo.
"Các quy định kiểu “cầm tay chỉ việc” không phù hợp với cách thức quản lý trong điều kiện tự chủ đại học, trong khi các ngành đào tạo có yêu cầu đa dạng về cách thức thực hiện để đạt chuẩn chung; cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế" - bà Phụng cho hay.
Lê Văn / vietnamnet