Việt Nam đã có dự án trường đua ngựa quy mô lớn đầu tiên. Nhưng “cuộc chơi” này cũng sẽ không dễ dàng.
Ở phía Nam, mới có trường đua ngựa ở Bình Dương, nhưng dự án này chưa được phép kinh doanh đặt cược. Ảnh: Đại Nam
Cái kết có hậu dành cho Charmvit
Cuối cùng, Tập đoàn Charmvit (Hàn Quốc) mới là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên nhận được cái gật đầu của các cơ quan chức năng về việc xây trường đua ngựa ở Việt Nam. 4 ngày trước (chiều 14/10), đích thân Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Chủ tịch Chaemvit Lee Dae Bong.
Theo kế hoạch, Charmvit sẽ đầu tư Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), với vốn đầu tư khoảng 420 triệu USD. Dự án được phát triển trên diện tích 125 ha, trong đó có trường đua ngựa với sức chứa 30.000 khán giả, khách sạn, trung tâm hội nghị và khu biệt thự nghỉ dưỡng. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024.
Dẫu vẫn còn rất nhiều việc phải làm, gồm việc xây dựng và xin giấy phép kinh doanh đặt cược, nhưng việc được nhận giấy chứng nhận đầu tư Dự án đã có thể coi là một “cái kết có hậu” cho Charmvit. Bởi đây là dự án đã được nhà đầu tư đeo đuổi từ 20 năm trước, song đã có một thời gian phải tạm từ bỏ bởi hành lang pháp lý của Việt Nam chưa cho phép. Phải tới tận năm 2017, khi Chính phủ ban hành Nghị định 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế, thì nhà đầu tư mới quay trở lại.
Cùng thời điểm này, rất nhiều nhà đầu tư đã đề xuất các dự án trường đua ngựa quy mô lớn ở xung quanh Hà Nội. Trong số đó, đáng chú ý có GOMAX, cũng quay trở lại sau hơn 10 năm đeo đuổi. Ban đầu, GOMAX chỉ đề xuất dự án có quy mô 570 triệu USD, nhưng khi quay trở lại sau khi Việt Nam có hành lang pháp lý về cá cược đưa ngựa, thì quy mô dự án được tăng lên gấp 3, lên tới 1,5 tỷ USD.
Cuối năm 2016, GOMAX thậm chí đã ký MOU với Vĩnh Phúc để triển khai dự án này. Những tưởng, dự án sẽ sớm được cấp chứng nhận đầu tư, nhưng nhà đầu tư này vẫn đang phải chờ đợi. Ngoài ra, Golden Horse (Hàn Quốc) cũng đề xuất dự án trường đua ngựa 500 triệu USD tại Bắc Ninh.
Trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư đua nhận được chứng nhận đầu tư của cơ quan chức năng Việt Nam, Charmvit đang tạm dẫn đầu, vượt qua GOMAX, Golden Horse.
Nếu Charmvit sớm biến dự án này trở thành hiện thực, thì Tập đoàn sẽ thực hiện thành công kế hoạch mở rộng đầu tư tại thị trường Việt Nam. Charmvit đang vận hành tổ hợp khách sạn Grand Plaza với 586 phòng cùng toà nhà văn phòng Charmvit Tower ở Hà Nội và sân golf 54 hố Phoenix tại Hoà Bình. Không chỉ thêm trường đua ngựa, Charmvit sẽ có thêm các dự án bất động sản ở khu vực này.
Đặt cược với kinh doanh đua ngựa
Bước đầu là hanh thông với Charmvit, nhưng chuyện kinh doanh đặt cược đua ngựa ở Việt Nam là không dễ dàng, bởi đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và khá nhạy cảm. Để được kinh doanh đặt cược, Charmvit còn phải làm thủ tục xin cấp phép đủ điều kiện kinh doanh và phải đáp ứng tất cả các quy định, tiêu chí được đặt ra tại Nghị định 06/2017/NĐ-CP. Chưa kể sau đó, phải tổ chức kinh doanh đặt cược tại Việt Nam sao cho hiệu quả.
Charmvit sẽ một lần nữa phải “đặt cược” vào việc kinh doanh đua ngựa tại Việt Nam. Tương tự, các doanh nghiệp khác như GOMAX, Golden Horse… cũng phải tính toán xem có tiếp tục đặt cược với kinh doanh đua ngựa ở thị trường Việt Nam hay không. Bởi lẽ, Chính phủ, các cơ quan chức năng Việt Nam chắc chắn sẽ thận trọng hơn trong việc cho phép một nhà đầu tư nữa mở trường đua ngựa ở xung quanh Hà Nội. Hơn nữa, vấn đề không chỉ là pháp lý, mà còn là thị trường Việt Nam liệu có đủ lớn và đủ hấp dẫn để kinh doanh đua ngựa phát triển mạnh mẽ hay không?
Trong khi đó, ở phía Nam, mới có trường đua ngựa ở Bình Dương, nhưng dự án này chưa được phép kinh doanh đặt cược. Còn dự án trường đua ngựa 100 triệu USD ở Phú Yên của Golden Turf Club Pty. Ltd (Hồng Kông) cũng mới được trao chủ trương đầu tư, đang xin bổ sung nội dung kinh doanh đặt cược. Đà Nẵng cũng có Dự án trường đua ngựa và trung tâm huấn luyện, nhân giống ngựa khoảng 200 triệu USD của Công ty TNHH Keyhinge Toys Việt Nam…
Nhiều trường đua, song có thể, cơ hội được kinh doanh đặt cược sẽ không dành cho tất cả. Giống như với kinh doanh casino, dù Chính phủ đã cho phép thí điểm người Việt Nam vào chơi trong casino, nhưng tới nay, mới có duy nhất casino Corona ở Phú Quốc nhận được giấy phép chính thức.
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn VABIS chia sẻ, cách đây ít năm, ông đã đầu tư xây trường đua chó ở Vũng Tàu, sau đó là trường đua chó, đua ngựa ở Hà Tĩnh, chỉ sau 2 năm là xong. Hiềm một nỗi, sau 3 năm, khi Nghị định 06/2017/NĐ-CP ra đời, dự án của ông gặp vướng mắc lớn, dù giấy phép đầu tư, giấy phép kinh doanh đã có.
“Trong Nghị định có chữ ‘cá cược’, nhưng của tôi thì không có. Bây giờ, tôi muốn xin kinh doanh cá cược, thì phải làm thủ tục lại từ đầu. Trước đây không có cá cược, thì dự án của chúng tôi chỉ cần theo quy hoạch của tỉnh, nhưng muốn kinh doanh cá cược thì phải xin chủ trương từ Chính phủ, phải chờ đợi”, ông Nguyễn Ngọc Mỹ nói.
Điều kiện được kinh doanh đặt cược đua chó, đua ngựa theo quy định tại Nghị định 06/2017/NĐ-CP Doanh nghiệp sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký đầu tư theo quy định trước khi tổ chức hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó phải xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược. Điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó bao gồm: a) Đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng trường đua ngựa, đua chó theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản quyết định chủ trương đầu tư; b) Đã trang bị đầy đủ hệ thống công nghệ, thiết bị kỹ thuật, phần mềm kinh doanh để tổ chức hoạt động đua ngựa, đua chó và kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó theo quy định tại Nghị định này; c) Có phương án kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó khả thi, phương thức phân phối vé đặt cược, địa bàn phát hành vé đặt cược phù hợp quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật. |
Nguyên Đức