Câu chuyện chi phí logistics quá cao làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đã quá cũ và “biết rồi khổ lắm nói mãi… vẫn không cải thiện”.
Ảnh minh họa
Tại “Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2016” tổ chức mới đây ở TP. Hồ Chí Minh, một lần nữa rất nhiều “tiếng chuông cảnh tỉnh” về logistics lại vang lên.
Những thông tin tại diễn đàn cho thấy, sau gần 10 năm gia nhập WTO, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng lên 2,94 lần, từ 111,2 tỷ USD năm 2007 lên đến 327,76 tỷ USD năm 2015. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của logistics.
Tuy nhiên, chi phí logistics tại Việt Nam vẫn cao gấp 3 lần Singapore. Một khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cho kết quả, chi phí logistics chiếm khá lớn trong giá thành sản phẩm nhiều nhóm hàng tại Việt Nam: Với thủy sản chiếm hơn 12%, đồ gỗ 23%, rau quả và gạo gần 30%... Đáng chú ý, trong chi phí logistics, chi phí vận tải chiếm xấp xỉ 60%.
Nhìn tổng thể, chi phí logistics mỗi năm khoảng 37- 40 tỷ USD, được xem là mức chi phí đắt đỏ nhất thế giới, là gánh nặng vô cùng lớn đối với hàng hóa Việt Nam trên những dặm đường xa ra thị trường thế giới.
Nguyên nhân được chỉ ra khá nhiều và cũng chẳng mới: Cơ sở hạ tầng (đường bộ, đường sắt, cảng biển…) còn nhiều bất cập, mức độ “container hóa” thấp, các thủ tục hành chính mất nhiều thời gian, “bóng ma” chi phí không chính thức vẫn tồn tại…
Đặc biệt, có một nguyên nhân ai cũng thấy rõ: Hầu hết doanh nghiệp logistics Việt Nam quy mô nhỏ và vừa, năng lực hạn chế. Hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu vận chuyển bằng đường biển, nhưng vận tải biển hoàn toàn phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài, các công ty xuất nhập khẩu Việt Nam phải gánh chịu chi phí cao và gặp nhiều rủi ro... Vụ hãng tàu biển Hanjin phá sản khiến nhiều công ty Việt Nam bị thiệt hại là bài học đắt giá.
Tuy nhiên, tại Diễn đàn cũng lóe lên một vài tia hy vọng khi đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian tới Tổng cục Hải quan sẽ tập trung cải thiện cả điểm số và chỉ số xếp hạng về môi trường kinh doanh, chỉ số logistics. Cụ thể, đến cuối năm 2016, thời gian thông quan xuất khẩu từ 21 ngày giảm xuống còn 10 ngày. Đến năm 2020, thủ tục xuất khẩu chỉ còn 36 giờ, nhập khẩu còn 41 giờ.
Đó cũng chỉ là một mảng nhỏ trong lĩnh vực logistics. Ở tầm vĩ mô, rất cần những đột phá về chính sách, tạo cơ chế thuận lợi để các doanh nghiệp logistics Việt Nam dần xây dựng tiềm lực tài chính mạnh, nâng cao năng lực, chiếm lĩnh thị trường, tận dụng các cơ hội của hội nhập.
Trần Phương / baocongthuong