Điều khoản ràng buộc đại lý bán ô tô đền bù khi phá hợp đồng thường không được nhắc đến khi mua bán ôtô tại Việt Nam, dẫn đến phần thiệt thòi luôn nằm ở phía khách hàng.
Phía đại lý phải trả gấp đôi tiền đặt cọc nếu phá hợp đồng. |
Anh Hùng Cường ở TP.HCM ký hợp đồng và đặt cọc mua một chiếc Honda CR-V đón Tết. Sau hơn một tuần không có hồi âm, nhân viên kinh doanh gọi điện xin lỗi và thông báo phiên bản anh đặt mua đã hết hàng. Sau đó, nhân viên này gợi ý anh lấy phiên bản cao cấp hơn.
"Nếu nói thẳng ngay từ đầu thì tôi sẽ mua luôn phiên bản đó, chứ im bặt một thời gian rồi thông báo hết xe làm ảnh hưởng đến công việc của tôi", anh Cường tức giận.
Anh Hùng Cường không đồng tình với phương án của nhân viên kinh doanh, và đại lý trả lại anh số tiền đặt cọc mà không hề có tiền đền bù.
Bên bán phải trả gấp đôi nếu phá hợp đồng
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương vừa khuyến cáo một số nội dung cần lưu ý về đặt cọc mua xe, các trường hợp thay đổi giá xe tại thời điểm giao dịch.
Thông thường, khi xe chưa có sẵn tại đại lý, bên bán xe sẽ yêu cầu người mua đặt cọc một khoản tiền để xác nhận. Khoản đặt cọc theo Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định, là để "đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng".
Tuy nhiên, thực tế đã xuất hiện sự việc khi không có xe để giao theo hợp đồng đã ký. Đại lý giải quyết bằng cách đơn giản là trả lại số tiền đặt cọc cho khách.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng trích dẫn quy định tại Điều 328 Bộ Luật Dân sự năm 2015: "Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác".
Như vậy, trong quá trình đặt cọc và ký hợp đồng đặt cọc, người tiêu dùng nên đọc kỹ các quy định trong biên bản thỏa thuận đặt cọc giữa 2 bên. Trong trường hợp không có thỏa thuận nào khác, khi đại lý đã nhận tiền đặt cọc mà không có xe để bán cho người tiêu dùng, thì đại lý phải trả lại số tiền đặt cọc và một khoản tiền tương đương với số tiền mà người tiêu dùng đã đặt cọc.
Ví dụ, trường hợp người tiêu dùng đặt cọc 100 triệu đồng để mua ôtô, mà đại lý không thực hiện đúng giao dịch, đại lý phải trả người tiêu dùng khoản tiền tương ứng 200 triệu đồng.
Trong thời gian qua, đã có những trường hợp khách hàng ở Việt Nam phản ánh về tình trạng phải mua xe với giá cao hơn giá quy định trong hợp đồng khi đặt cọc.
Trên thực tế, khi gặp phải những tình huống trên, người tiêu dùng thường làm theo hướng dẫn của đại lý như: viết đơn tự nguyện rút tiền đặt cọc hoặc chấp nhận mua xe với giá cao hơn giá được quy định trong hợp đồng. Đồng nghĩa khách hàng chấp nhận cho các đại lý xâm hại quyền lợi chính đáng của mình.
Theo quy định tại Điều 16 Luật Bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp không được phép quy định trong các hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung khi giao kết với người tiêu dùng các điều khoản có nội dung: Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định hoặc thay đổi giá tại thời điểm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Trước khi ký hợp đồng với đại lý, người tiêu dùng cần đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng, nếu phát hiện các điều khoản với nội dung cho phép thay đổi giá tại thời điểm giao xe, người tiêu dùng có thể yêu cầu đại lý loại bỏ các điều khoản này ra khỏi hợp đồng.
Bên bán trả gấp đôi khi phá hợp đồng chỉ là lý thuyết
Anh T.L, một nhân viên kinh doanh ô tô cho rằng, việc trả gấp đôi khi đại lý hủy hợp đồng chỉ là lý thuyết, vì thực tế trong hợp đồng mua bán không hề có điều khoản như vậy. Khi soạn hợp đồng, phía đại lý thường loại bỏ điều khoản này và ít khách hàng nào nhận ra.
Hợp đồng mua bán của một đại lý bán xe không hề đề cập tới việc "Nếu bên B không giao xe cho Bên A". |
Theo anh, hầu hết đại lý bán xe phổ thông tại Việt Nam đều không cho khách hàng thêm những điều khoản bất lợi cho phía đại lý. Nên khi khách hàng hủy hợp đồng, khách hàng sẽ mất tiền đặt cọc. Trong khi phía đại lý hủy hợp đồng, đại lý chỉ trả lại số tiền mà khách hàng đặt cọc, không phải trả thêm số tiền đền bù tương ứng như Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đề cập.
Đây là thực tế bấy lâu nay vẫn diễn ra trên thị trường mua bán ô tô Việt Nam. Rất nhiều trường hợp khách hàng đã đặt cọc mua xe, nhưng sau đó nhân viên kinh doanh gọi đến vì lý do hết xe hoặc một lý do nào khác bất khả kháng rồi gợi ý khách hàng lấy phiên bản khác. Khi khách hàng không đồng tình, nhân viên kinh doanh chỉ trả lại số tiền đặt cọc của khách hàng.
Anh L.T cho biết thêm, trong trường hợp khách hàng hỏi về điều khoản ràng buộc "nếu bên B không giao xe" thì nhân viên kinh doanh thường chỉ trả lời cho qua, kiểu như "đây là hợp đồng mẫu của hãng nên không thay đổi được, vì xin lãnh đạo duyệt hợp đồng sửa thì biết đến bao giờ".
Theo Zing News