Tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam đều cho thấy những dấu hiệu phục hồi khá tốt ở cả chiều đi và về của hàng hóa.
Dấu hiệu phục hồi sản xuất đã trở nên rõ nét những tháng cuối năm, với tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa càng ngày càng lớn hơn về số lượng và giá trị Ảnh:TL
Theo Bộ Công Thương, ước tính tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 10 này đạt 51,2 tỉ đô la Mỹ, giảm 0,3% so với tháng 9 nhưng vẫn phục hồi khá tốt so với cùng kỳ năm 2019 với mức tăng xấp xỉ 10%.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 10 ước đạt 26,7 tỉ đô la (giảm 1,7%) so với tháng 9 song lại tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu tháng 10 tăng 1,2% so với tháng 9 và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 24,5 tỉ đô la. Đây là những tín hiệu rõ nét cho thấy sự phục hồi của thông thương hàng hóa.
Tính đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sau 10 tháng đã tăng 2,62% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 439,8 tỉ đô la. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 229,27 tỉ đô la, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều nền kinh tế trong khu vực châu Á sụt giảm do tác động của dịch bệnh. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu cũng tăng nhẹ 0,4% so với 10 tháng năm 2019, đạt 210,55 tỉ đô.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10 này ước tính đạt 26,7 tỉ đô la, giảm 1,7% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10 năm nay tăng 9,9%.
Tính chung 10 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 229,27 tỉ đô, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 8,3%). Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu của khối FDI vẫn chiếm áp đảo: khu vực kinh tế trong nước tăng 0,7%, chiếm gần 28,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 6,5%, chiếm 71,3%.
Trong mười tháng vừa qua có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ đô (chiếm 91,76% tổng kim ngạch xuất khẩu); có năm mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ đô, chiếm 59,9%.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là nhóm hàng đóng vai trò đóng góp chính vào tốc độ tăng trưởng trong tháng 10-2020 với kim ngạch đạt 22,53 tỉ đô (tăng 9% so với tháng 10/2019). Trong đó, những mặt hàng ghi nhận đà tăng trưởng cao vẫn là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 13,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 58,3%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 11,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 25,1%; sắt thép các loại tăng 43%; điện thoại các loại và linh kiện cũng tăng nhẹ trở lại với mức tăng 0,6%...
Ngược lại, nhóm hàng may mặc tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2019, với sự sụt giảm 3,2% của hàng dệt và may mặc; giảm 21,6% đối với giày dép các loại; giảm 23,7% đối với túi xách, ví, vali, mũ, ô dù.
Tương tự, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến mười tháng đầu năm nay tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2019 và đóng góp chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng chung với kim ngạch ước đạt 194,37 tỉ đô, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng tốt như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 24,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 42%...
Trái lại, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng khác sụt giảm do tác động của dịch Covid-19, như điện thoại các loại và linh kiện giảm 4,5%; hàng dệt và may mặc giảm 9,3%; giày dép các loại giảm 9,9%; túi xách, ví, vali, mũ, ô dù giảm 17,1%...
Tính chung reong mười tháng qua, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 210,55 tỉ đô, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,6%). Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 77,38 tỉ đô, giảm 10,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 133,16 tỉ đô ( tăng 7,8%).
Như vậy, trong tháng 10, kim ngạch nhập khẩu đã có xu hướng tăng lên so với cùng kỳ, cho thấy sản xuất bắt đầu phục hồi, các doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị kế hoạch sản xuất phục vụ cho nhu cầu cuối năm. Trong 10 tháng năm 2020, có 34 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỉ đô, chiếm 89,4% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong số này, điện tử, máy tính và linh kiện đạt 51,3 tỉ đô (chiếm 24,4% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước.M áy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 29,8 tỉ đô, giảm 0,6%;