Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) không muốn bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài mua, sau khi thoái vốn làm sao để giữ được thương hiệu...
Ảnh minh họa.
Báo cáo tại Hội nghị về tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước tại Bộ Công thương ngày 24/12, đại diện Bộ Công Thương cho biết, đối với Sabeco, khó khăn tồn tại của doanh nghiệp này trong quá trình thực hiện tái cơ cấu là không muốn bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài mua, sau khi thoái vốn làm sao để giữ được thương hiệu, cơ chế hoạt động sau tái thoái vốn.
"Sẽ xuất hiện nguy cơ xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư và các công ty liên kết mà Tổng công ty chỉ nắm giữ 20% vốn điều lệ. Trong khi có tới 14 công ty liên kết và sản lượng sản xuất lên đến 50% sản lượng của toàn Tổng công ty", đại diện Bộ Công Thương đánh giá.
Cũng theo Bộ Công Thương, việc hoán đổi cổ phiếu giữa Tổng công ty và các Công ty con gặp nhiều khó khăn trong việc xác định giá trị cũng như có cơ chế đồng nhất. Nhưng đây là phương án phù hợp nhất vì vừa tăng nguồn thu vào ngân sách nhà nước vừa đảm bảo tránh các xung đột lợi ích tương lai.
Thông tin tại hội nghị, ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch Sabeco cho biết, đã 8 năm sau cổ phần hóatại Sabeco, đến nay nhà nước còn giữ khoảng 89,59% cổ phần, còn lại đã bán cho Heineken khoảng 5%, các cổ đông khác giữ tỷ lệ còn lại.
Ông Hà cũng cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương Sabeco đang xây dựng phương án thoái tiếp vốn hai đợt, mỗi đợt 20-30% theo đó, nhà nước sẽ bán đi ít nhất trên 50% vốn tại doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, ông Hà cũng cho biết, một doanh nghiệp mỗi lần thoái vốn 20-30% là rất lớn và đề nghị khi quyết định thoái vốn 2 lần thì khoảng cách hai lần ít nhất 1 năm để ổn định sản xuất kinh doanh vì thoái vốn “đang chóng mặt, bị cái nữa chắc là sụp”…
Đồng thời, ông Hà đề xuất Bộ xem xét khi thoái vốn vì Sabeco đã có 140 năm lịch sử với nhiều thế hệ nhân viên xây dựng thương hiệu nên Bộ cần phương án để bán cổ phiếu ưu đãi cho những nhân viên này.
Đáng lưu ý, ông Hà phân tích, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp từ năm 2007 đến nay rất tốt, về cơ bản đạt được tốc độ tăng trưởng tốt đến từ các yếu tố như làm tốt công tác thị trường, nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng... không phải do cổ phần hoá mang lại.
"Cũng có thể vì như vậy mà mục đích chính của cổ phần hoá là huy động vốn, nâng cao năng lực quản trị nhưng với Sabeco thì không phải nhu cầu máy móc, nhu cầu vốn vì máy móc mới Sabeco đều tự mua", ông Hà nhấn mạnh.
Về phía Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), doanh nghiệp đang đầu tư ngoài ngành tại 6 đơn vị, vốn đầu tư khoảng 167 tỷ đồng đã thu về khoảng 80 tỷ đồng số tiền còn lại đang tiếp tục tìm cách thoái vốn.
Riêng đối với khoản đầu tư tại Công ty CP Harec Đầu tư và Thương mại, vốn đầu tư của Habeco là 27,31 tỷ đồng, chiếm 40% vốn điều lệ do công ty làm ăn hiệu quả nên Tổng công ty lùi thời gian thoái vốn.
Việc thoái nốt vốn đầu tư ngoài ngành tại một số đơn vị làm ăn kinh doanh kém hiệu quả như CTCP Sành sứ Thủy tinh Việt Nam, CTCP Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Miền Trung, CTCP Đầu tư phát triển Habeco, CTCP Bất động sản Lilama có thể thu về kém giá trị sổ sách.
Đối với CTCP Sữa Việt Mỹ hiện Habeco chưa tìm được các giải pháp để hoàn thiện thủ tục thoái vốn.
Đối với mảnh đất tại 183 Hoàng Hoa Thám, Habeco đang bị truy thu hơn 800 tỷ đồng tiền xác định lợi thế vị trí địa lý thuê đất.
(Theo BizLIVE)