Những năm qua, thị trường vàng ngày càng mất đi tính hấp dẫn, trong khi rủi ro lại tăng. Ảnh: Tuệ Doanh
Giá vàng đã tăng ấn tượng trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán theo diễn biến của giá vàng thế giới. Đáng chú ý giá bán vàng trong nước ngày 11-2 tăng hơn 1 triệu đồng/lượng, đó cũng là ngày giá vàng thế giới tăng một mạch 42 đô la Mỹ/oz. Tuy nhiên sự tăng giá mạnh này dường như không ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu mua vàng tìm sự may mắn của đại bộ phận dân chúng và cả nhu cầu đầu tư vàng. Nhưng liệu vàng có còn là một tài sản sinh lời hấp dẫn?
Có còn là kênh đầu tư an toàn số 1?
Người dân từ lâu đời đã có thói quen dành dụm tiền mua vàng như là một cách tiết kiệm và tích trữ tài sản. Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc đời, nhiều người nhận ra rằng chỉ có vàng mới giúp họ bảo toàn tài sản. Với một nền kinh tế phát triển còn non kém như Việt Nam, người dân bình thường chủ yếu chỉ có ba kênh đầu tư chính là mua vàng, gửi ngân hàng và mua đất. Tuy nhiên, với thị trường bất động sản còn lắm rủi ro, gửi tiết kiệm ngân hàng còn nhiều nghi ngại và lãi suất không thật sự hấp dẫn, thì người dân vẫn có thói quen mua vàng dành dụm và tích trữ như là kênh đầu tư an toàn số 1.
Những năm qua, thị trường vàng ngày càng mất đi tính hấp dẫn, trong khi rủi ro lại tăng. Giai đoạn 2006-2009 nhiều sàn vàng ồ ạt ra đời cùng với sự tăng giá không mệt mỏi của thị trường vàng thế giới đã cuốn phăng nhiều nhà đầu tư của thị trường này, cả nhà đầu tư vàng tài khoản lẫn vàng vật chất. Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, các tiệm vàng, các ngân hàng với đội ngũ mua bán hùng hậu cũng thiệt hại đáng kể khi dính vào vàng.
Kể từ khi thị trường vàng thế giới đạt đỉnh cao kỷ lục 1.920 đô la Mỹ/oz vào ngày 6-9-2011, còn giá vàng trong nước lên mốc 49 triệu đồng/lượng, thì từ đó thị trường vàng cả trong nước và thế giới đã chìm trong xu hướng sụt giảm. Bất chấp những nỗi lo khủng hoảng kinh tế hay bất ổn địa chính trị, giá vàng cứ rớt dần xuống những mức thấp hơn. Đối với nhà đầu tư vàng trong nước, không những phải đối mặt với rủi ro xuống giá của vàng, mà còn lo sợ vàng giả, vàng nhái, vàng không đạt chuẩn, những chính sách chống vàng hóa của Nhà nước, hay thậm chí là rủi ro đến từ mức chênh lệch quá lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới quy đổi.
Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới luôn duy trì ở mức cao
Trong những năm gần đây, giá vàng thế giới và giá vàng trong nước luôn giữ chênh lệch ở mức độ lớn. Khi mà giá thế giới tăng thì các đơn vị kinh doanh vàng thường tăng giá nhanh và tăng theo biên độ rộng, ngược lại khi giá thế giới giảm thì các đơn vị sẽ giảm chậm và giảm theo biên độ hẹp. Việc Ngân hàng Nhà nước ngừng cấp phép nhập khẩu vàng từ tháng 5-2008 hoặc chỉ cho nhập hạn chế ở một số thời điểm khi giá trong nước bị thổi cao quá mức được xem là một trong những nguyên nhân khiến giá vàng trong nước gần như không liên thông được với giá vàng thế giới.
Mặc dù chênh lệch giá luôn ở mức cao 2-3 triệu/lượng, hoặc có thời điểm lên đến 4 triệu đồng/lượng, nhưng cung cầu vàng vẫn ở mức độ cân bằng, hay nói cách khác người mua vàng vẫn chấp nhận. Chính điều này khiến động lực thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế gần như không có, vì dễ thấy rằng với mức chênh lệch cao như thế mà vẫn có nhiều người sẵn sàng chấp nhận mua thì nếu để giá vàng trong nước gần như liên thông với giá vàng thế giới ắt cầu sẽ tăng đột biến và gây ra những cơn sốt vàng như một số thời điểm trước đây.
Hay nói cách khác việc cố tình duy trì một mức chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế quy đổi sẽ duy trì một rủi ro nhất định, từ đó hạn chế nhu cầu đầu tư và dập tắt nhu cầu đầu cơ của thị trường vàng trong nước.
Tuy nhiên có một luận điểm khác cũng cần lưu ý đó là vì sao mức chênh lệch giữa giá vàng bán trong nước và giá vàng quốc tế quy đổi cao như thế nhưng nhiều người vẫn chấp nhận mua để tích lũy hoặc đầu tư. Có thể thói quen mua vàng của đại bộ phận dân chúng đã có từ lâu và khó xóa bỏ, tuy nhiên, với giới đầu tư vốn rất coi trọng suất sinh lời thì lại khác.
Theo công thức tính quy đổi giá vàng, với mức giá thế giới sáng ngày 15-2 vào khoảng 1.223 đô la Mỹ/oz, tỷ giá VCB mua vào là 22.280 đồng, tổng các loại phí vận chuyển, bảo hiểm, thuế, phí dập vàng vào khoảng 4,3 đô la Mỹ/oz thì giá quy đổi có tính phí ở khoảng 32,9 triệu/lượng.
Tuy nhiên, giá trong nước bán ra tại thời điểm này khoảng 34 triệu đồng/lượng, cao hơn 1 triệu đồng/lượng so với giá thế giới quy đổi. Nếu tính theo công thức ngược lại với giá vàng ở 34 triệu đồng/lượng, thì tỷ giá tự do dùng để quy đổi phải ở mức 22.981 đồng. Hay nói cách khác những nhà đầu tư chấp nhận mua vàng ở mức giá 34 triệu đồng/lượng cũng đang chấp nhận tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ ở mức cao hơn so với thời điểm hiện tại.
Xu hướng thị trường vàng sắp tới
Thị trường vàng thế giới đã phục hồi đáng kể trong nửa đầu tháng 2, kéo theo sự tăng mạnh của giá vàng trong nước. Nỗi lo sợ về cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo bắt nguồn từ Trung Quốc đã đẩy giới đầu tư chạy vào vàng như là kênh trú ẩn an toàn.
Thực tế thị trường vàng suy yếu trong ba năm trở lại đây chủ yếu do sự mạnh lên của đồng đô la Mỹ, do giá vàng niêm yết theo đồng tiền cơ sở là đô la Mỹ. Tuy nhiên, những dấu hiệu gần đây cho thấy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) khó lòng tăng thêm lãi suất trong năm 2016 trước những lo ngại về một cuộc khủng hoảng mới đã kích thích các nhà đầu tư nhảy lại vào thị trường vàng. Một điểm đáng lưu ý nữa là tuy giá vàng tính theo đô la Mỹ cho thấy sự sụt giảm, nhưng nếu so với các đồng ngoại tệ khác vẫn có sự tăng trưởng.
Ngoài ra, với việc thị trường dầu đang chìm sâu vào khủng hoảng, thị trường chứng khoán toàn cầu đang chịu cảnh bán tháo, thì có vẻ như vàng đang là tài sản đầu tư được lợi nhất trong thời điểm này. Nguy cơ khủng hoảng nợ công tại các quốc gia với việc nợ toàn cầu đã vượt quá 200.000 tỉ đô la Mỹ hay những bất ổn địa chính trị trên thế giới càng khuyến khích giới đầu tư tìm đến vàng. Với những quốc gia đã phá giá đồng nội tệ và niềm tin vào nền kinh tế suy yếu như Trung Quốc, thì người dân sẽ tìm cách giữ những tài sản an toàn như vàng hoặc đô la Mỹ. Cần nhớ rằng Trung Quốc là một trong những quốc gia nhập khẩu vàng hàng đầu trong những năm qua, do đó nếu nhu cầu nắm giữ vàng của nước này tăng mạnh trong thời gian tới sẽ hỗ trợ đáng kể cho sự tăng giá của thị trường vàng.
Theo Hồ Lê / TBKTSG