Quả căng mọng, vỏ ngoài trắng, ăn có vị ngọt, mùi thơm như dứa,... loại dâu tây trắng hay còn gọi là dâu tây Bạch Tuyết đang được đánh giá là loại dâu thơm ngon và hiếm nhất thế giới, khiến nhà giàu Việt phát cuồng dù giá lên đến 1,6 triệu đồng/kg.
Dâu tây Bạch Tuyết đang là loại quả khiến nhà giàu săn lùng.
Những ngày cuối năm, dâu tây Hàn Quốc đang vào thời điểm thu hoạch rộ, ồ ạt đổ bộ vào thị trường Việt Nam, bày bán tràn ngập trên "chợ mạng" cũng như tại các cửa hàng hoa quả sạch,... Giá của loại dâu này từ 600.000-800.000 đồng/kg, tuỳ loại.
Song, loại dâu khiến giới nhà giàu Việt phát cuồng vào cận Tết lại là dâu tây Bạch Tuyết của Nhật Bản - loại dâu từng sắp bị tuyệt chủng trên thế giới, bất chấp giá bán cao gấp đôi dâu tây Hàn Quốc và cao gấp 12-16 lần dâu tây Đà Lạt.
Cầm trên tay hai hộp dâu tây Bạch Tuyết, chị Bùi Thị Phượng ở Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) khoe, để được thưởng thức những trái dâu trắng muốt, thơm ngọt này chị đã phải chờ đợi đúng 10 ngày trời.
Chị Phượng nhận xét đây là món khoái khẩu bởi chúng không chỉ ngon mà còn đẹp mắt. Chị đã thưởng thức khá nhiều loại dâu tây của các nước (trừ dâu tây Trung Quốc) thấy mỗi loại có vị ngon riêng biệt. Gần đây, thấy trên mạng nói về loại dâu tây Bạch Tuyết, chị thích mê và muốn mua về nếm thử ngay. Tuy nhiên, để tìm được cửa hàng bán loại dâu tây này lại không hề đơn giản, bởi nguồn dâu rất khó kiếm và hiếm.
Cũng may, cách đây hơn một tháng, trong một lần tình cờ lướt Facebook, chị phát hiện ra chỗ bán dâu tây Bạch Tuyết nhập khẩu từ Nhật Bản. Chị liền đặt mua 1kg, giá gần 1,6 triệu đồng/kg. Nếm thử vài quả chị đã mê mẩn, nghiện luôn vị ngọt và mùi thơm như mùi ở quả dứa.
Sau lần đó, chị tranh thủ đặt mua về cho gia đình ăn vì mùa dâu thường không kéo dài, nhưng mỗi lần đặt mua được cũng phải mất từ 7-10 ngày vì chúng là hàng xách tay, chị Phương cho hay.
Loại dâu này rất khó trồng nên hàng khá hiếm
Cũng bị cuồng dâu tây Bạch Tuyết, chị Hoàng Thị Phương Dung ở Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, năm ngoái chị sang Hà Lan công tác và đã được thưởng thức loại dâu tây trắng khi ăn món salad, sau đó lại được ăn dâu tây Bạch Tuyết tươi nguyên.
Lúc mới đầu ăn thấy là lạ vì vị giống dâu nhưng màu thì không giống, hỏi ra mới biết chúng là loại dâu Bạch Tuyết, khá hiếm, được người Hà Lan xếp vào loại trái cây thuộc hàng xa xỉ phẩm bởi giá của chúng rất đắt đỏ.
"Về đến Việt Nam, muốn tìm mua ăn mà đành chịu. Mãi tới cận Tết này tôi mới tìm được một cửa hàng ở Thanh Xuân (Hà Nội) bán loại dâu này. Song, không phải dâu của Ba Lan mà là dâu tây Bạch Tuyết Nhật Bản". Chị liền mua thử 2kg về ăn thấy mùi vị, chất lượng cũng tương đồng nhau.
"Giờ biết chỗ bán dâu tây trắng nên tôi cứ đặt mua đều đều. Đặc biệt, Tết này tôi còn đặt sẵn 8kg dâu đóng vào 2 hộp lớn để làm quà biếu Tết", chị Dung chia sẻ.
Để thưởng thức dâu tây Bạch Tuyết, khách phải bỏ ra 1,6 triệu đồng cho 1kg
Trao đổi với PV, anh Trần Văn Dũng, chủ một cửa hàng hoa quả nhập khẩu tại Hai Bà Trưng (Hà Nội), cho biết, dâu tây Bạch Tuyết được xếp vào một trong những loại hoa quả có giá đắt đỏ nhất thế giới. Tuy nhiên, khi nhập về Việt Nam bán chúng vẫn là hàng hot khiến giới nhà giàu tranh nhau đặt mua.
Loại dây tây Bạch Tuyết là giống dâu có nguồn gốc từ Nam Mỹ, từng gần như tuyệt chủng trên thế giới. Năm 2010, loại dâu này được người dân Hà Lan, Bỉ "hồi sinh" thành giống dâu thương mại và người Nhật Bản nhập giống về trồng mấy năm gần đây. Khi bé, quả dâu màu xanh, lúc chín chuyển dần sang màu trắng, còn mắt dâu lại có màu chấm bi đỏ khá đẹp.
Dù đã được trồng làm hàng hoa nhưng loại dâu tây trắng khá nhạy cảm với thời tiết nên số lượng vẫn hạn chế. Đặc biệt, quả dâu có màu trắng lạ mắt nên được nhiều người chuộng mua. Anh Dũng cho biết, đó là hai nguyên nhân chính khiến cho dâu tây Bạch Tuyết luôn khan hàng và giá cao ngất ngưởng. Hiện giá dâu Bạch Tuyết là 800.000 đồng/hộp 500g, khách lấy 2kg trở lên giá ưu đãi 780.000 đồng/hộp 500g (1.560.000 đồng/kg).
"Dâu tây Bạch Tuyết chỉ về mỗi tuần một lần, số lượng dưới 150kg. Thế nên, khách hàng muốn mua thường phải đặt trước ít nhất 1 tuần", anh Dũng tiết lộ.
Băng Dương / VietnamNet