Theo thông tin từ Bộ Y tế, toàn ngành y tế đang hoàn thiện các khâu để đảm bảo từ năm 2016 thực hiện việc đấu thầu thuốc trên phạm vi toàn quốc.
Một doanh nghiệp dược trong nước sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn GMP-WHO. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)
Để chuẩn bị cho việc thực hiện việc đấu thầu thuốc tập trung ở cấp quốc gia, hiện Bộ Y tế đã hoàn thiện và chuẩn bị ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Công tác chuẩn bị trên căn cứ Điều 77 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu, Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành danh mục thuốc đấu thầu tập trung và hướng dẫn mua thuốc tập trung ở cấp quốc gia, cấp địa phương.
Ông Đỗ Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho hay, hiện tại, trên cả nước đã có 53 tỉnh, thành phố đã thực hiện đấu thầu thuốc tập trung.
Theo ông Đông, việc áp dụng các quy định mới nêu trên, đặc biệt với đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá cấp quốc gia có nhiều ưu điểm trong việc tiết kiệm thời gian, chi phí đấu thầu so với đấu thầu riêng lẻ, đồng thời đảm bảo được sự thống nhất về giá thuốc trúng thầu và tăng cường hiệu quả kinh tế của gói thầu do gói thầu lớn và thời hạn hợp đồng dài hơn.
"Tuy nhiên, do là các phương thức mới, cần có kinh nghiệm trong quá trình triển khai và việc bảo đảm nguồn cung ứng liên tục cho gói thầu tập trung lớn là những khó khăn so với việc tổ chức đấu thầu riêng lẻ," ông Đông chỉ rõ.
Vì vậy, để khắc phục những khó khăn trong bước đầu triển khai, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, các đơn vị liên quan để có lộ trình triển khai phù hợp để vừa làm vừa rút kinh nghiệm và từng bước nhân rộng.
Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, đối với các thuốc không tổ chức đấu thầu quốc gia thì sẽ áp dụng biện pháp nào để thuốc vào bệnh viện với giá hợp lý?
Về ý kiến này, vị đại diện Cục quản lý Dược phân tích, đối với các thuốc ngoài danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, nếu thuộc danh mục thuốc đàm phán giá sẽ do Hội đồng đàm phán giá thực hiện, nếu thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương, sẽ do các tỉnh, thành phố tổ chức đấu thầu tập trung.
Ngoài ra các đơn vị sẽ thực hiện đấu thầu theo đúng các quy định hiện hành về đấu thầu mua thuốc theo Luật Đấu thầu, Nghị định 63/2014/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế với các quy định mới về phương thức đấu thầu 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ, phương pháp đánh giá tổng hợp giữa kỹ thuật và giá, các ưu đãi cho thuốc sản xuất trong nước sẽ nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu, nâng cao chất lượng thuốc trúng thầu và khuyến khích phát triển thuốc sản xuất trong nước.
Theo ông Đông, đối với thuốc sản xuất trong nước, Luật Đấu thầu 2013 đã bổ sung những quy định rõ ràng trong việc ưu tiên cho thuốc sản xuất trong nước như nhà thầu cung ứng thuốc sẽ được hưởng ưu đãi nếu thuốc có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên.
Đặc biệt, đối với thuốc sản xuất trong nước được Bộ Y tế công bố đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp thì trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định nhà thầu không được chào thuốc nhập khẩu.
Với việc bổ sung các quy định trên, cùng với các quy định về chấm điểm ưu tiên trong đánh giá lựa chọn nhà thầu đối với các nhà máy sản xuất thuốc trong nước khi dự thầu trực tiếp, việc phân nhóm thuốc trong đấu thầu, thuốc trong nước sẽ có nhiều cơ hội trúng thầu cung ứng cho các cơ sở y tế, qua đó sẽ thúc đẩy sản xuất thuốc trong nước.
Theo Thủy Giang / Vietnam+