Sẽ có hai tuyến hành lang đường thủy trục Đông – Tây và Bắc – Nam thuộc khu vực Nam Bộ sẽ được đầu tư tại Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và Logistics khu vực phía Nam.
Giao thông đường thủy phía Nam sẽ được đầu tư lớn trong thời gian tới.
Bộ GTVT vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề xuất dự án Phát triển các Hành lang đường thủy và Logistics khu vực phía Nam, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển Thế giới (WB) sau khi tiến hành cập nhật lại danh mục Dự án.
Theo đó, hai công trình từng được đưa vào Dự án là cầu Măng Thít sẽ được thực hiện bằng nguồn vốn JICA và nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 dự kiến được thực hiện bằng vốn Ngân sách nhà nước.
Sau khi tiến hành cập nhật lại Đề xuất, Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và Logistics khu vực phía Nam sẽ chỉ nâng cấp tuyến Hành lang Đông – Tây kết nối khu vực đồng bằng song Cửu Long (trung tâm kinh tế Cần Thơ) với thành phố Hồ Chí Minh và cụm cảng Cái Mép – Thị Vải đạt cấp II và nâng cấp Hành lang Bắc – Nam liên kết Bình Dương – Đồng Nai – Thành phố Hồ Chí Minh với cụm cảng Cái Mép – Thị Vải đạt cấp II. Địa bàn triển khai công trình là Tp.HCM, Cần Thơ và các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 251,6 triệu USD (tương đương 5.825,45 tỷ đồng), trong đó, vốn vay WB 172,16 triệu USD VNĐ (tương đương 3.986,07 tỷ) để thực hiện các công việc: thi công xây lắp và các công tác liên quan, tư vấn giám sát thi công, tư vấn giám sát thực hiện tái định cư, tư vấn kiểm toán tài chính, xây dựng trung tâm điều hành giao thông thủy. Phần vốn đối ứng trị giá 77,37 triệu USD (tương đương 1.791,45 tỷ VNĐ) sẽ được thực hiện c bồi thường GPMB, trả thuế VAT, chi phí quản lý dự án, rà phá bom mìn, bảo hiểm, kiểm toán dự án hoàn thành…
Nếu được Thủ tướng Chính phủ thông qua Đề xuất, thời gian chuẩn bị Dự án dự kiến từ tháng 9/2019 đến tháng 10/2021; thời gian thực hiện Dự án là 4 năm kể từ khi Hiệp định vay có hiệu lực.
Theo Anh Minh / baodautu