Sau 3 năm khá yên ắng, gần đây nhiều nhà đầu tư lại có kế hoạch đầu tư xây dựng bệnh viện.
Ảnh minh họa.
Tiếp tục tìm cơ hội
Sau M&A với Tập đoàn Fortis, sau đó là Clermont Group (trước đây là Chandler Corporation), năm 2015, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ tiếp tục hoàn tất thương vụ M&A với Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai và mới đây là Bệnh viện Quốc tế Vinh (Nghệ An), đưa số bệnh viện mà Hoàn Mỹ sở hữu lên con số 7 và tiếp tục "dòm ngó” Bệnh viện Giao thông vận tải TP.HCM và Bệnh viện Giao thông vận tải Đà Nẵng.
Đầu tư vào mảng y tế từ rất sớm nhưng đến cuối năm 2015, Tập đoàn Bất động sản Cotec Group mới mở rộng Bệnh viện Đa khoa Bình Định trị giá 1.300 tỷ đồng thông qua công ty thành viên là Cotec Healthcare theo hình thức hợp tác công - tư. Tham vọng của Cotec là tiếp tục mở rộng hợp tác, phát triển chuỗi bệnh viện đa khoa ở một số tỉnh - thành.
Gần đây nhất, Tập đoàn T&T mua cổ phần Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương, Quỹ VOF (do Vinacapital quản lý) đầu tư 10 triệu USD mua 75% cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Hòa (Đồng Nai). Theo thông tin mới nhất, có vẻ VOF rất tự tin vào thương vụ này và sẽ tiếp tục đầu tư vào y tế, kể cả đầu tư vào các bệnh viện công cổ phần hóa.
Năm 2016 cũng là năm xuất hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Tập đoàn Bumrungrad Hospital (Thái Lan), Lippo Group (Indonesia) có ý định phát triển chuỗi bệnh viện tại Việt Nam.
Ngoài mảng M&A, các nhà đầu tư đang mạnh tay hơn trong việc đổ vốn mở rộng các bệnh viện chuyên khoa như Quốc tế Thảo Điền, Hàn quốc JW, Quốc tế Hoa Lâm, Quốc tế Mỹ, Đa khoa Đồng Nai giai đoạn 2, Đa khoa Cẩm Phả.
Theo BS. Nguyễn Hữu Tùng - Phó chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tế tư nhân TP.HCM: "Đầu tư vào bệnh viện về lâu dài vẫn hấp dẫn, nhất là lộ trình xã hội hóa y tế của Chính phủ ngày càng thông thoáng. Tuy nhiên, nếu đầu tư vào bệnh viện thật hiện đại thì vẫn khó. Vì thế, các bệnh viện tư nhân chọn phân khúc khách hàng trung bình trở xuống và đang hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, tổng chi tiêu cho y tế tại Việt Nam đang ở mức 5,8% GDP, cao nhất ASEAN, nên sẽ là thị trường màu mỡ để các nhà đầu tư trong và ngoài nước khai thác khi đủ nguồn lực".
TS-BS. Lê Bình Phương, chuyên gia tư vấn quản lý - đầu tư - M&A lĩnh vực y tế chia sẻ: "Việc mua bán bệnh viện đang diễn ra xuất phát từ nhu cầu của nhà đầu tư, không hẳn là do đầu tư thất bại mà do một số nguyên nhân như thay đổi chiến lược kinh doanh, cần nguồn tài chính để tái cấu trúc công ty, mở rộng hoạt động chuyên môn, tối ưu hoá nguồn lực hiện tại bằng bổ sung tài chính. Nhà đầu tư nước ngoài thì muốn đa dạng hóa các kênh đầu tư nên mở rộng hệ thống bệnh viện hiện hữu".
Theo BS. Phương, hiện nay xu hướng đầu tư vào bệnh viện đang được phát triển mạnh theo 3 hướng: mua bán - sáp nhập, mở rộng bệnh viện đang hoạt động và hợp tác công - tư.
Với M&A, bài tính của nhà đầu tư là có ngay doanh thu và hoạt động hiệu quả hơn sau khi tái cấu trúc. Riêng mảng đầu tư xây dựng bệnh viện thì do nhu cầu khám chữa bệnh đang cao, nhất là phân khúc thu nhập trung bình trở xuống nên xu hướng của nhà đầu tư là xây dựng bệnh viện chuyên khoa thay vì đầu tư vào phòng khám để thực hiện được nhiều dịch vụ. Hợp tác xây dựng bệnh viện công - tư cũng là một xu thế do tận dụng được nguồn nhân lực có sẵn của bệnh viện công. Tuy nhiên, đầu tư bệnh viện đòi hỏi có nguồn tài chính vững mạnh, phải xác định đầu tư lâu dài và dĩ nhiên không đơn thuần chỉ là lợi ích tài chính.
Có thật hấp dẫn?
Theo BS. Tùng: "Người đầu tư mở bệnh viện thường là bác sĩ hoặc một quỹ đầu tư nào đó. Để quản trị một bệnh viện, nhà quản trị có cả kiến thức chuyên môn về y tế lẫn kinh doanh. Thêm nữa, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe người dân ngày một phát triển nên đây cũng là môi trường cạnh tranh gay gắt".
Theo báo cáo năm 2015 của Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM, trong số 39 bệnh viện tư đang hoạt động thì có khoảng 10 - 15% thua lỗ nên đang phải tìm cách mời gọi nhà đầu tư bỏ vốn liên kết. Chẳng hạn Bệnh viện Phú Thọ (Q.Tân Phú), Bệnh viện Đa khoa Vũ Anh (Q. Gò Vấp, TP. HCM) từng được kỳ vọng nhiều với mô hình như khách sạn 5 sao, thu hút nhiều bác sĩ tay nghề cao nhưng vẫn thua lỗ, phải mời gọi liên danh, liên kết.
Cũng theo BS. Tùng, thách thức lớn nhất của các nhà đầu tư khi bỏ vốn vào lĩnh vực này là không có lợi nhuận trong 5 năm đầu, thậm chí là 7 năm trong khi lãi suất ngân hàng vẫn cao. Đặc biệt, để xây bệnh viện phải thuê 50 năm nhưng cứ mỗi 3 năm lại thay đổi tiền đóng thuế đất theo hướng tăng dần.
Một cái khó khác là chính sách nhà nước không cho bác sĩ bệnh viện công ra làm bệnh viện tư trong giờ hành chính. Niềm tin vào chất lượng ở bệnh viện tư, kể cả bệnh viện công vẫn chưa cao nên nhiều bệnh nhân vẫn ra nước ngoài chữa bệnh.
Cũng vì lẽ đó mà việc đầu tư vào bệnh viện hiện nay tuy có nhộn nhịp nhưng vẫn chưa thật sự hấp dẫn. TS. Bình tiết lộ: "Năm 2015 có nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Trung Quốc và Singapore đến nhờ môi giới đầu tư hoặc M&A mảng bệnh viện, nhưng đến nay họ vẫn chưa mặn mà vì đánh giá thị trường này tại Việt Nam vẫn chưa hấp dẫn, ít nhất là trong năm nay và năm tới".
Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn