Theo WB, Việt Nam phân bổ nguồn lực công hơn 5% GDP cho giáo dục, tuy nhiên trong đó, mức đầu tư cho giáo dục đại học hiện rất thấp, chỉ chiếm 0,33%
Đó là một trong những nội dung được đại diện Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra tại hội thảo Giáo dục 2020 với chủ đề “Tự chủ đại học - Từ chính sách đến thực tiễn”.
Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số cơ sở giáo dục đại học tổ chức vào sáng nay 27/11.
Đại diện WB đã chỉ ra những thành tựu chính của giáo dục đại học Việt Nam, gồm: Thay đổi tích cực đối với sự quản trị đại học hiện đại; Luật Giáo dục Đại học (2018) và các cải cách về quyền tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP năm 2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập năm 2014-2017; Tuyển sinh tăng gấp đôi kể từ năm 2000 (trên 50% là nữ); Tỷ lệ phần trăm giảng viên đại học có bằng thạc sĩ/tiến sĩ hiện nay đạt trên 75%; Phát triển chương trình đào tạo và được quốc tế công nhận; Số lượng công bố quốc tế trong nghiên cứu khoa học tăng gấp 3 lần.
Ngoài ra, các trường đại học Việt Nam đã xuất hiện trong các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới.
Khi đánh giá về những thách thức, WB vẫn cho rằng Việt Nam đã làm rất tốt trong lĩnh vực giáo dục cơ bản, giáo dục phổ thông, tuy nhiên cần chú trọng nâng cao chất lượng Giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, mức độ tiếp cận giáo dục đại học còn thấp; tỷ lệ tuyển sinh theo nhóm quỹ phúc lợi không đồng đều, thậm chí chênh lệnh lớn; chất lượng giáo dục còn chênh lệch giữa các nhóm kỹ năng của người học và sự chuyển giao các nghiên cứu và công nghệ diễn ra ở mức thấp.
Tỷ lệ tuyển sinh theo nhóm quỹ phúc lợi không đồng đều, thậm chí chênh lệnh lớn.
Chất lượng giáo dục còn chênh lệch giữa các nhóm kỹ năng của người học và sự chuyển giao các nghiên cứu và công nghệ diễn ra ở mức thấp.
Tài chính phụ thuộc vào học phí
Những thách thức mang tính hệ thống trong việc quản lý giáo dục bậc cao ở Việt Nam, cũng được WB chỉ ra gồm: bị chia thành nhiều cơ sở giáo dục đào tạo với quy mô khác nhau; các lỗ hổng trong chính sách và cam kết thực hiện; sự liên kết giữa các trường đại học (cơ sở đào tạo) với thị trường lao động còn hạn chế; những đổi mới giáo dục còn hạn chế, bao gồm cả việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông; thiếu những người có đủ năng lực và chuyên môn để quản lý.
Những thách thức còn nằm ở việc huy động nguồn lực trong tài trợ cho giáo dục đại học khi thực tế nhiều trường phụ thuộc cao vào mức học phí không bền vững.
Theo WB, Việt Nam phân bổ nguồn lực công hơn 5% GDP cho giáo dục, tuy nhiên trong đó, mức đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam hiện rất thấp, chỉ chiếm 0,33% (trong tổng số 6.1% Chính phủ đầu tư cho giáo dục và đào tạo). Trong khi đó, ở các nước, tỷ lệ này cao hơn nhiều.
Tổng quan mức đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam và một số nước trên thế giới.
Một số thách thức khi phân bổ nguồn lực trong tài chính giáo dục đại học cũng được WB chỉ ra như:
Về kinh phí, việc phân bổ các quỹ công còn hạn chế, dựa trên các định mức truyền thống, không dựa trên kết quả hoạt động hoặc vốn chủ sở hữu.
Hoạt động nghiên cứu của trường đại học nhìn chung còn ít tài trợ, quản lý lỏng lẻo, chất lượng hợp tác còn hạn chế.
Các thủ tục chuẩn bị và giải ngân vốn đầu tư phức tạp, chưa đủ thu hút tài trợ ở cả khu vực công lẫn thị trường tín dụng tư nhân.
Học bổng và các khoản vay dành cho sinh viên thấp, điều khoản vay – trả chưa đủ hấp dẫn.
Từ đó, WB cũng đề xuất các lựa chọn chính sách để hiện đại hóa quản trị như:
Phê duyệt và tài trợ đầy đủ Chiến lược Phát triển giáo dục đại học chuyển đổi trong giai đoạn 2021 - 2030;
Đầu tư, nâng cao năng lực cho hoạch định chính sách; thiết kế chương trình; giám sát và đánh giá; Cập nhật các chính sách về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của giáo dục đại học với nguồn tài trợ của nhà nước;
Trao quyền cho các hội đồng trường để bổ nhiệm lãnh đạo và phê duyệt các chiến lược/ngân sách; Khuyến khích giáo dục đại học đổi mới, cải cách hành chính, bao gồm: quản lý nhân sự/giảng viên, hợp tác quốc tế về nghiên cứu & phát triển.
Về tài chính, tăng ngân sách công cho giáo dục đại học từ 0,23% hiện tại lên 0,8% GDP trước năm 2030.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, nguồn chi của ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học giảm mạnh trong thời gian qua, chỉ ở mức 0,23% GDP. Trong khi đó, nguồn thu từ nghiên cứu và các nguồn khác thấp. Vì vậy, tài chính của các trường đại học chủ yếu phụ thuộc vào học phí (phần lớn trường học phí chiếm trên 80%) nên đang thiếu bền vững. |