Năm 2020, gần chục nghìn bất động sản liền thổ bùng nổ ở Bình Dương, Đồng Nai, hút giới đầu tư ồ ạt kéo về cụm vùng ven này.
DKRA Việt Nam vừa công bố báo cáo thị trường đất nền và nhà phố vùng phụ cận TP HCM năm 2020 với làn sóng đầu tư đất nền dạt về tỉnh giáp ranh diễn ra mạnh mẽ trong 12 tháng qua.
Năm qua Bình Dương dẫn đầu thị trường đất nền với nguồn cung mới lên đến 5.627 sản phẩm còn Đồng Nai dẫn đầu nguồn cung mới nhà phố, biệt thự với 2.749 căn. Đây đều là mức kỷ lục tại hai địa bàn này đồng thời hút hàng nghìn nhà đầu tư dạt về vùng ven tậu nhà đất.
Bên cạnh nguồn cung đất nền và nhà liền thổ ở hai tỉnh vùng ven này tăng lên, sức tiêu thụ tốt tại hai địa bàn này cũng chiếm mất ánh hào quang của thị trường TP HCM trong năm 2020. Các địa phương này nhiều khả năng sẽ tiếp tục hút đầu tư bất động sản liền thổ trong 12 tháng tới. Lượng khách hàng đổ về vùng ven tậu đất nền và nhà phố chủ yếu là nhà đầu tư đến từ Sài Gòn.
Phối cảnh một dự án tại Đồng Nai của doanh nghiệp bất động sản Sài Gòn.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu DKRA Việt Nam đánh giá các tỉnh giáp ranh Sài Gòn như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu thu hút đầu tư đất nền và nhà liền thổ suốt năm 2020 là phản ứng bình thường trong bối cảnh TP HCM khan hiếm nguồn cung, không có nhiều dư địa để đầu tư. Sự thay đổi khẩu vị dạt về vùng ven của các nhà đầu tư có thể sẽ tiếp tục diễn ra khi sân bay Long Thành và nhiều tuyến đường cao tốc gia tăng kết nối vùng với TP HCM được công bố rầm rộ.
DKRA dự báo nguồn cung đất nền và nhà phố tại các tỉnh giáp ranh, lân cận TP HCM vẫn tiếp tục phát triển trong năm 2021 do quỹ đất dành cho nhóm bất động sản liền thổ tại Sài Gòn đang ngày càng hạn chế. Các tỉnh giáp ranh này sẽ được xếp chung vào thị trường địa ốc khu vực vùng phụ cận TP HCM chứ không tách rời từng tỉnh riêng lẻ do sự kết nối về hạ tầng và dịch vụ liên vùng ngày càng phát triển.
Nguyên nhân bất động sản vùng ven bứt phá nhanh hơn TP HCM trong năm 2020 là thủ tục pháp lý phát triển các dự án nhà ở tại Sài Gòn kéo dài nhiều năm liền khiến nguồn cung tắc nghẽn cục bộ, đẩy các doanh nghiệp tại TP HCM phải di cư về các tỉnh thành khác dễ phát triển dự án hơn. Nếu tình trạng này kéo dài, TP HCM có thể bị giảm sức hút đầu tư và bị các tỉnh vệ tinh chiếm thị phần.
Theo các chuyên gia bất động sản, xu thế đầu tư dạt về vùng ven còn gọi là đầu tư ly tâm, đang mạnh dần khi rổ hàng dự án tại TP HCM ngày càng sụt giảm, không còn phong phú hàng hóa như trước. Thay vì đầu tư hướng tâm (đổ dồn về trung tâm), làn sóng đầu tư ly tâm, dạt biên sẽ chiếm thế chủ đạo trong nhiều năm tới và không chỉ dừng lại ở đất nền, nhà phố mà còn mở rộng sang nhóm sản phẩm chung cư và bất động sản thương mại.