Phóng viên (PV):Đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt là 1 trong 3 khâu đột phá phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 - 2015. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII , đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt tiếp tục được xác định là 1 trong 4 khâu đột phá nhiệm kỳ 2015 - 2020. Xin đồng chí cho biết mục tiêu trọng tâm của khâu đột phá trong giai đoạn này?
Đồng chí Bùi Văn Quang:Nhiệm kỳ vừa qua, đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt được xác định là 1 trong 3 khâu đột phá; do đó đã được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Trong 5 năm (2011 - 2015), toàn tỉnh đã huy động 69,06 nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển, tăng hơn 2 lần so giai đoạn 2006 - 2010; trong đó, đã triển khai thực hiện 242 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt, với hơn 31,5 nghìn tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng then chốt trên địa bàn tỉnh có nhiều thay đổi vượt bậc, tạo đà cho tỉnh phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững. Đặc biệt, năm 2012, thành phố Việt Trì được công nhận đô thị loại I (sớm hơn dự kiến 02 năm); tỉnh Phú Thọ đã ra khỏi tỉnh nghèo.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng so với yêu cầu phát triển những năm tới, hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có của tỉnh nhà vẫn còn hạn chế. Vì vậy, nhiệm kỳ 2015 - 2020, đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt tiếp tục được xác định là khâu đột phá, trong đó trọng tâm là xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp và các dự án, công trình lớn có tác động lan tỏa. Cụ thể, Phú Thọ phấn đấu đến năm 2020, cơ bản hoàn thiện hạ tầng các Khu công nghiệp Phú Hà, Cẩm Khê, Phù Ninh, Trung Hà; đảm bảo tỷ lệ lấp đầy dự án ở các khu công nghiệp đạt trên 50%. Cơ bản tạo sự kết nối đồng bộ giữa hệ thống giao thông vùng kinh tế động lực của tỉnh với mạng lưới giao thông quốc gia. Xây dựng Việt Trì cơ bản trở thành thành phố lễ hội, thị xã Phú Thọ lên thành phố, xã Tân Phú (huyện Tân Sơn) lên thị trấn. Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai các dự án hạ tầng, dịch vụ du lịch tại thành phố Việt Trì, các huyện Thanh Thủy, Hạ Hòa, Tam Nông, Tân Sơn. Từng bước xây dựng Phú Thọ trở thành địa bàn trọng điểm du lịch, trung tâm dịch vụ y tế của vùng.
PV: Xin đồng chí cho biết những thuận lợi và khó khăn đối với Phú Thọ trong thực hiện khâu đột phá đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt giai đoạn này?
Đồng chí Bùi Văn Quang:Tỉnh Phú Thọ có vị trí trung tâm của vùng Trung du miền núi Bắc bộ, có nhiều tuyến giao thông quốc gia chạy qua kết nối giữa các tỉnh trong vùng; đồng thời được bổ sung vào quy hoạch vùng Thủ đô nên có nhiều điều kiện, cơ hội mới để tăng cường hợp tác, liên kết đầu tư. Tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào; nhiều dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm quy mô lớn của quốc gia, của tỉnh; hạ tầng các khu công nghiệp đang được tích cực triển khai xây dựng giúp tỉnh cải thiện vị trí địa kinh tế, đón nhận làn sóng đầu tư. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh đã có kinh nghiệm trong xử lý khó khăn, thách thức; môi trường chính trị, xã hội ổn định, các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, cải cách hành chính chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, mặc dù nhu cầu nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng rất lớn song nội lực kinh tế của tỉnh còn yếu, đòi hỏi Phú Thọ phải có giải pháp thiết thực để huy động các nguồn lực đầu tư.
PV:Đề nghị đồng chí phân tích sâu hơn về các giải pháp để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trước những thuận lợi và thách thức trên?
Đồng chí Bùi Văn Quang: Nhiệm vụ huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, giải pháp trọng tâm sẽ được Phú Thọ nhanh chóng triển khai là hoàn thiện các quy hoạch phát triển quan trọng và đẩy mạnh huy động nguồn lực trong và ngoài Nhà nước bằng nhiều hình thức. Các nguồn lực này sẽ được bố trí theo hướng ưu tiên các dự án quy mô lớn, dự án trọng điểm, hạ tầng khu cụm công nghiệp; tranh thủ sự ủng hộ của các Bộ, ngành, các tập đoàn kinh tế lớn để đầu tư nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Bên cạnh đó, một trong những giải pháp quan trọng là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, đẩy mạnh thực hiện khâu đột phá về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Phú Thọ cũng sẽ chủ động tổ chức đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp nhằm kịp thời xử lý, giải quyết vướng mắc về thủ tục hành chính đồng thời tìm ra những khiếm khuyết trong cơ chế, chính sách để điều chỉnh cho phù hợp.
Ngoài ra, tỉnh ta cũng đặc biệt chú trọng đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, tập trung xúc tiến trực tiếp với các tập đoàn, tổng công ty lớn; chuyển hình thức mời gọi đầu tư từ "tỉnh có" sang "nhà đầu tư cần"; tích cực tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong xúc tiến đầu tư; duy trì và phát triển có chiều sâu các mối quan hệ quốc tế đã thiết lập; tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại với một số nước khối EU để vận động, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch và đảm bảo về chất lượng, hiệu quả đầu tư.
Với những giải pháp thiết thực này, tôi tin rằng công tác thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020 sẽ đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Khánh Trang
PhuthoPortal