Tại buổi tiếp Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius vừa diễn ra mới đây trước khi Đại sứ kết thúc nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam sẽ không chỉ dừng ở con số gần 10 tỷ USD như hiện nay...
Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), 10 tháng của năm 2017, dù đặt rất nhiều hy vọng song số vốn đăng ký đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam mới chỉ là hơn 400 triệu USD.
Còn nếu tính lũy kế, thì cho tới nay, các doanh nghiệp Mỹ mới đầu tư tại Việt Nam gần 10 tỷ USD, xếp hạng thứ 9 trong tổng 128 các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Trao đổi với BizLIVE, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng cục đầu tư nước ngoài cho biết nếu so sánh với các nước có nguồn vốn đổ vốn vào Việt Nam như Hàn Quốc (57 tỷ USD), Nhật Bản (46,3 tỷ USD), Singapore (41,7 tỷ USD), Đài Loan (30,8 tỷ USD)... thì số vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam còn khá khiêm tốn.
“Chưa đến 10 tỷ USD, con số này quả thực chưa xứng với tiềm năng của Mỹ cũng như quan hệ kinh tế chính trị ngày càng một phát triển của hai nước Việt - Mỹ", ông Thắng nói.
Phân tích nguyên nhân vì sao doanh nghiệp Mỹ còn chưa "mặn mà" với mảnh đất đầu tư ở Việt Nam, ông Thắng cho biết thực trạng này xuất phát từ hai phía, chủ quan và khách quan.
Ông Phan Hữu Thắng cho biết, các nhà đầu tư Mỹ với một loạt lợi thế về vốn, công nghệ, thị trường nên được rất nhiều quốc gia chào đón. Do vậy, cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư này ở những quốc gia, địa bàn có năng lực cạnh tranh là rất nhiều.
“Không chỉ các nước đang phát triển đâu, những nước đã phát triển rồi họ cũng vẫn có nhu cầu thu hút vốn Mỹ. Việt Nam phải cạnh tranh với rất nhiều quốc gia để có thể hút đầu tư”, ông Thắng nói,
Từ phía Việt Nam, ông Thắng cho rằng danh mục đầu tư của chúng ta đa phần vẫn chưa phù hợp “khẩu vị” của doanh nghiệp Mỹ. Bởi đầu tư của họ thường có quy mô rất lớn và đưa vào các lĩnh vực công nghệ cao.
“Trong khi đó, thủ tục hành chính của chúng ta vẫn còn quá nhiều phức tạp. Tiếp cận dự án thật không dễ dàng. Đất đai thì không còn nhiều nữa”, ông Thắng cho biết.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài cũng đồng tình cho rằng dòng vốn của Mỹ vẫn chưa “mặn mà” đổ vào Việt Nam trong khi đó, quốc gia này từng thể hiện kỳ vọng trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam.
Theo ông Toàn, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân quan trọng khiến vốn đầu tư nước ngoài từ Mỹ hay EU vào Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn so với quan hệ chính trị, văn hoá và thương mại chính là sự thiếu minh bạch trong môi trường kinh doanh đầu tư tại Việt Nam.
Trong khi đó, theo đánh giá của ông Toàn, nguồn vốn FDI từ Mỹ hay AU nhìn chung đều là những nguồn vốn có chất lượng cao từ các quốc gia có công nghệ cao, quản trị và nền tảng pháp luật minh bạch, tiên tiến. Những yếu tố này rất cần cho thể chế kinh tế và chất lượng phát triển của Việt Nam.
Ông Nguyễn Quang Bảo, Phó tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Bản Việt cũng từng nhận định, nhà đầu tư Hoa Kỳ và EU rất quan tâm đến Việt Nam nhưng ít thành công hơn nhà đầu tư châu Á vì thị trường Việt Nam có quy mô nhỏ, trong khi những đòi hòi về độ minh bạch cao và sự khác biệt về văn hóa khiến họ phải cân nhắc.
Làm sao để hấp dẫn các "ông lớn" Mỹ?
Ngày 12/11 tới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thăm chính thức Việt Nam sau khi dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Đà Nẵng.
Ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng cục đầu tư nước ngoài cho biết chuyến thăm được kỳ vọng thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế.
Ông Thắng cho rằng muốn đẩy mạnh thu hút đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam thì cần phải có những thay đổi, khắc phục hạn chế từ chính các nguyên nhân vừa phân tích nêu trên.
"Cần phải làm rõ nhưng tồn tại trong mội trường đầu tư Việt Nam khiến các doanh nghiệp Mỹ họ e dè. Họ sẵn sàng chia sẻ và việc cần làm của chúng ta là nghiên cứu, xem xét sẽ có thể sửa đổi cho phù hợp trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích của hai bên", ông Thắng nói.
Ông Thắng cũng nhấn mạnh, các nhà đầu tư Mỹ họ muốn có chính sách phải minh bạch, thủ tục hành chính phải đơn giản rõ ràng. Đây cũng là những mục tiêu chúng ta đang cố gắng để hoàn thiện hơn. Ngoài ra, cần thông qua các kênh ngoại giao, xúc tiến đầu tư để tìm hiểu và đưa các danh mục dự án phù hợp nhằm thu hút họ.
“Chúng ta muốn họ vào thì phải tìm hiểu xem khẩu vị của họ như thế nào, chúng ta có đáp ứng được không. Đặc biệt sắp khi khi Việt Nam có các đặc khu thì việc thu hút này càng cần được đẩy mạnh”, ông Thắng nói.
GS. TSKH. Võ Đại Lược - người tham gia viết đề án cho đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong cũng cho biết, nếu được thông qua, thể chế khu vực này sẽ theo hướng đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư lớn từ Âu - Mỹ, các nhà đầu tư công nghệ cao, hiện đại.
Ông Lược cho biết, cần có cơ chế thực sự cởi mở thông thoáng ở các đặc khu để kêu gọi đầu tư. Rõ ràng muốn họ vào được thì phải có thể chế tương ứng. Việc này sẽ tiến hành theo nguyên tắc họ đề xuất, ta xem xét điều chỉnh rồi quyết định.
"Muốn họ vào được thì phải có môi trường công khai minh bạch, môi trường làm ăn hiệu quả. Chứ đừng nặng tư tưởng chúng ta phải mới là người nghĩ ra chính sách, quy tắc. Phải có những thể chế, chính sách tương đồng với họ. Làm đặc khu, không thể xây tổ chim sẻ mà đón phượng hoàng được", ông Lược nhấn mạnh.
Về phía đại diện cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham), trong văn bản tham luận tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), họ cho rằng thương mại tự do và công bằng sẽ giúp duy trì và phát triển quan hệ đầu tư và thương mại song phương. Việc nhập khẩu sản phẩm vào Việt Nam còn tốn kém và phức tạp, do vậy họ mong muốn Việt Nam sẽ giải quyết các rào cản phi thuế quan đối với thương mại chủ yếu gặp tại biên giới.
“Các bộ ngành khác nhau đưa ra yêu cầu kiểm tra một loả các mặt hàng nhập khẩu, chẳng hạn như kiểm tra từng lô hàng nhập khẩu, bất chập việc kiểm tra này đã được thực hiện bởi các nhà sản xuất hay đã có giấy chứng nhận vận chuyển đáng tin cậy đến Việt Nam. Hầu hết các yêu cầu kiểm tra không đề cập đến nguy cơ rủi ro mà việc kiểm tra được thực hiện để giúp giảm nguy cơ”, đại diện AmCham nêu dẫn chứng.
Ngoài ra, đại diện AmCham cũng kiến nghị về việc cải thiện nôi trường nói chung cho doanh nghiệp. Theo AmCham, loại bỏ rào cản thương mai và nâng cao khả năng tiếp cận thị trường sẽ thu hút các nhà đầu tư mới đến Việt Nam.
Tuy nhiên, FDI đang ngày càng phụ thuộc vào sự mở rộng từ các nhà đầu tư đang hoạt động cũng như những thông tin kinh nghiệm họ chia sẻ với các nhà đầu tư tiềm năng. Điều này đồng nghĩa là FDI trong tương lai phụ thuộc và việc cải thiện môi trường hoạt động chung cho các doanh nghiệp.
“Quan trọng hơn, việc giảm chi phí và tính phức tạp cho hoạt động kinh doanh sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam, mà trong đó đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm thúc đẩy năng lực cạnh tranh Việt Nam hơn”, đại diện AmCham cho biết.
Liên quan đến tình hình quan hệ đầu tư Việt – Mỹ, sau khi tiếp các tập đoàn hàng đầu của Mỹ tại NewYork vào cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh rằng, rằng đây là “thời điểm chín muồi” để doanh nghiệp Mỹ với những thương hiệu, kinh nghiệm, công nghệ và nguồn lực tài chính dồi dào tham gia mạnh mẽ hơn vào tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Tại buổi tiếp Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius vừa diễn ra mới đây trước khi Đại sứ kết thúc nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam, Thủ tướng đã khẳng định, đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam sẽ không chỉ dừng ở con số gần 10 tỷ USD như hiện nay.
N.Mạnh / BizLIVE