Gặp nhiều cản trở khi thành lập, mở rộng hoạt động tại Việt Nam, không ít nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực giáo dục chỉ biết thầm tiếc cơ hội tại thị trường trị giá nhiều tỷ USD.
Gia đình chị Hoa (Ninh Bình) mỗi năm phải để ra 300 triệu đồng lo cho người con trai đang học phổ thông ở Singapore. Dù phải vất vả dành dụm tiền và xa con, song chị Hoa cho rằng điều này là xứng đáng bởi cơ sở vật chất giáo dục ở nơi chị sống không đáp ứng được yêu cầu của gia đình.
"Tôi muốn con được phát triển toàn diện, đặc biệt là có vốn ngoại ngữ tốt. Các trường ở tỉnh không đáp ứng được, đưa lên Hà Nội thì cũng như phải đi học xa nên gia đình quyết định đưa con ra nước ngoài học", chị bộc bạch.
Tâm sự của chị Hoa cũng giống nhiều phụ huynh Việt muốn con cái được tiếp nhận sự giáo dục tốt nhất. Không đưa con đi du học, song một số bậc cha mẹ ở Hà Nội, TP HCM sẵn sàng bỏ ra 150-300 triệu đồng một năm để con học trường quốc tế ngay từ bậc tiểu học. Nhu cầu nêu trên cũng được không ít nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy, song những rào cản pháp lý đang khiến họ ngần ngại đầu tư lớn vào giáo dục Việt Nam.
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho thấy số lượng dự án và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành giáo dục còn khiêm tốn cả về số lượng và quy mô, với chỉ hơn 3,6 tỷ USD vốn đăng ký, từ khi Việt Nam bắt đầu thu hút FDI đến hết tháng 11/2015. GDP của dịch vụ giáo dục cũng chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng GDP của cả nước.
Theo báo cáo của Nhóm công tác Giáo dục và Đào tạo thuộc Diễn đàn doanh nghiệp thường niên (VBF) 2015, dù các cam kết WTO, Luật Đầu tư đang khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài tham gia mảng giáo dục, nhưng một số quy định khác lại gây cản trở, điển hình là Nghị định 73 ban hành năm 2012 về các dự án đầu tư nước ngoài và hợp tác trong giáo dục và đào tạo ở Việt Nam.
Bà Nguyễn Kim Dung - Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại tổ chức Giáo dục đào tạo Apollo cho biết ngay từ khâu cấp phép thành lập đã rất phức tạp, khi nhà đầu tư nước ngoài phải xin đủ 3 giấy phép là đầu tư, thành lập và hoạt động. Trong đó, quan ngại nhất là việc xin giấy phép thành lập bởi phải trải qua quy trình xem xét và phê duyệt của nhiều phòng ban, cơ quan.
"Hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập có ghi là hồ sơ dự kiến số lượng giáo viên và dự kiến số lượng nhân viên, song cơ quan thực thi và cơ quan ban hành luật có cách hiểu hoàn toàn khác nhau, yêu cầu nộp hồ sơ giáo viên bao gồm giấy phép lao động hợp pháp tại thời điểm cấp phép. Như thế có nghĩa là doanh nghiệp phải tuyển giáo viên, ký hợp đồng, trả lương và xin cấp giấy phép lao động cho giáo viên khi chưa đi vào hoạt động", vị này bày tỏ.
Các nhà đầu tư mới hay đang bỏ vốn tại Việt Nam chia sẻ rất khó để vượt qua tất cả các thủ tục cấp phép phức tạp và cho rằng điều này mâu thuẫn với những chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội về đơn giản hóa thủ tục hành chính cho nhà đầu tư.
Việc hạn chế tỷ lệ học sinh Việt Nam được đăng ký học tại các trường quốc tế là 10% ở bậc tiểu học và trung học cơ sở, 20% ở bậc phổ thông cũng được nhà đầu tư đánh giá chưa hợp lý. "Nhu cầu học chương trình quốc tế của học sinh đang tăng lên rất nhanh. Theo khảo sát, mỗi năm Việt Nam dành 3 tỷ USD cho giáo dục tại nước ngoài. Với quy định này thì đầu tư tại các tỉnh ngoài Hà Nội và TP HCM đối với các bậc phổ thông là gần như không thể", ông Phan Mạnh Hùng - Giám đốc Pháp chế Kinderworld Group nhận định.
Ở các địa phương không phải thành phố lớn, số người nước ngoài đến làm việc và sinh sống rất ít nên không thể thu hút đủ tỷ lệ 80-90% học sinh là người nước ngoài, mà theo quy định, dù sĩ số lớp thiếu nhưng họ không được tuyển học sinh Việt. Điều này khiến các cơ sở giáo dục quốc tế không mặn mà đầu tư vào các tỉnh thành.
"Chính phủ nên bỏ điều khoản hạn chế này để học sinh Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận với trường quốc tế ngay tại Việt Nam thay vì phải đi nước ngoài. Theo đó, có thể bổ sung các điều kiện khác cho học sinh tại các trường quốc tế để duy trì văn hóa Việt như bổ sung thêm các môn học chính trong trường quốc tế về truyền thống Việt Nam như: Tết, hát các bài hát truyền thống dân tộc...", nhóm công tác Giáo dục và Đào tạo cho biết.
Bên cạnh đó, những yêu cầu về số năm kinh nghiệm hay học vị thạc sĩ, tiến sĩ với đội ngũ giáo viên cũng là một cản trở. Ông Phillip Dowler - Trưởng chi nhánh Hà Nội đại học RMIT Việt Nam cho hay trong những ngành đặc thù như thiết kế, thời trang, một số giảng viên nước ngoài được đánh giá cao về chuyên môn trong nghề, nhưng họ không có 5 năm kinh nghiệm giảng dạy. Điều này khiến các trường khó tuyển mộ đủ giảng viên đáp ứng yêu cầu, dù nhu cầu học tập các chương trình này tăng lên.
Ngoài ra, các trường học cũng kêu ca việc Việt Nam thiếu khuôn khổ pháp lý để xây dựng một cơ sở thực thập. Lấy ví dụ trong lĩnh vực quản lý nhà hàng, khách sạn, các nhà đầu tư nước ngoài khuyến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép một trường đại học vận hành một nhà hàng hoặc khách sạn thương mại để sinh viên có không gian trải nghiệm thực tế, được phục vụ các khách hàng thực sự và sẵn sàng cho công việc sau khi tốt nghiệp.
Trao đổi với VnExpress, bà Vũ Thanh Hương - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) Việt Nam không nên quá rụt rè trong vấn đề mở cửa giáo dục mà cần tận dụng tốt cơ hội hội nhập, mà trước mắt là từ cộng đồng kinh tế chung ASEAN để thay đổi, tăng chất lượng dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh của ngành giáo dục. "Lĩnh vực dịch vụ còn rất nhiều dư địa, Việt Nam cần phải tận dụng nó làm tiền đề tăng trưởng khi hội nhập", bà Hương nói.
Trước ý kiến cho rằng mở cửa dịch vụ giáo dục theo các cam kết hội nhập sẽ là "con dao hai lưỡi" vì nhà đầu tư nước ngoài sẽ thâm nhập vào thị trường trong nước gây ảnh hưởng tiêu cực, vị này cho hay Việt Nam có thể cân nhắc, chọn lựa các lĩnh vực mở cửa, ví dụ có thể không mở cửa với lứa tuổi tiểu học nhưng nên mở cửa với những bậc mà học sinh đã có đầy đủ nhận thức. "Điều quan trọng không phải mình có mở hay không mà là mở như thế nào", bà nhận xét.
Ông Phạm Chí Cường - Phó vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận thực tế một số quy định trong Nghị định 73 đang khiến nhà đầu tư vướng mắc khi thực hiện. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hướng tới sửa đổi Nghị định với mục tiêu giảm thiểu thủ tục hành chính và giảm khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục.
Phương Linh / VnExpress