Hôm nay, 11/7/2016, trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (MDEC - Hậu Giang 2016), UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư (XTĐT) vào tỉnh. Nhân dịp này, phóng viên Báo Đầu tư có cuộc trao đổi với ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, xoay quanh chủ đề về môi trường đầu tư của tỉnh.
Lâu rồi Hậu Giang mới tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh, ông có thể cho biết quy mô cũng như mục tiêu mà tỉnh đặt ra tại hội nghị này?
Hội nghị XTĐT tỉnh Hậu Giang với chủ đề “Hậu Giang tiềm năng đầu tư và phát triển” là hội nghị XTĐT có quy mô lớn của tỉnh, dự kiến sẽ có khoảng 300 đại biểu tham dự gồm: đại diện lãnh đạo Chính phủ, thành viên Ban Chỉ đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương có liên quan, Tổng lãnh sự, lãnh sự và một số hiệp hội kinh tế nước ngoài tại TP.HCM và các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước…
Ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang
Hội nghị này nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Hậu Giang, các dự án cụ thể để kêu gọi đầu tư vào địa phương. Bên cạnh đó, Hội nghị còn vinh danh vai trò của doanh nghiệp trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các doanh nghiệp tiêu biểu của Hậu Giang.
Tỉnh Hậu Giang sẽ tập trung mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực nào, thưa ông?
Tại Hội nghị này, tỉnh Hậu Giang đã chuẩn bị danh mục 33 dự án ưu tiên kêu gọi vốn đầu tư trong và ngoài nước, với tổng vốn đầu tư khoảng 666 triệu USD. Trong đó, tỉnh đặc biệt ưu tiên mời gọi đầu tư các dự án khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh như: chế biến nông sản thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao và các dự án phát triển thương mại, du lịch.
Bên cạnh đó, Hậu Giang cũng ưu tiên khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ nano; công nghiệp điện tử; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp năng lượng sạch; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, xử lý nước thải và rác thải; các dự án sản xuất hàng xuất khẩu nông sản, các dự án sản xuất máy móc, trang thiết bị, phụ tùng công, nông nghiệp thay thế hàng nhập khẩu…
Theo ông, lợi thế nào được xem là nổi trội của Hậu Giang trong thu hút đầu tư so với các tỉnh, thành phố lân cận trong vùng?
Cũng như các tỉnh trong vùng ĐBSCL, Hậu Giang có nguồn nguyên liệu phong phú về nông, thủy sản; nguồn lao động rất dồi dào, chiếm 72% dân số của tỉnh. Ngoài ra, Hậu Giang có thêm thuận lợi là giáp ranh với thành phố Cần Thơ - trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học kỹ thuật của vùng ĐBSCL, nơi có hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội khá hoàn thiện như: Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Cảng biển quốc tế Cái Cui; hệ thống các trường đại học, cao đẳng đa ngành, chuyên ngành, trường nghề; hệ thống các bệnh viện tầm cỡ khu vực; các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thương mại dịch vụ, vui chơi, giải trí...
Các dự án đầu tư tại Hậu Giang còn được hưởng nhiều ưu đãi theo quy định (thuế, giá thuê đất…), do tất cả các huyện, thị của tỉnh Hậu Giang (trừ TP. Vị Thanh ) đều thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Vậy tỉnh Hậu Giang đã làm gì để khai thác lợi thế đó?
Ngay từ khi thành lập, tỉnh Hậu Giang đã quan tâm quy hoạch triển khai đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung để phục vụ cho việc mời gọi đầu tư vào tỉnh. Đến nay, tỉnh có 2 khu công nghiệp (KCN) tập trung do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, đó là KCN Sông Hậu - giai đoạn 1 tại huyện Châu Thành và KCN Tân Phú Thạnh tại huyện Châu Thành A.
Trong đó, KCN Sông Hậu - giai đoạn 1 có tổng diện tích 291 ha, có vị trí thuận lợi nằm cặp bên bờ sông Hậu, tiếp giáp với Cảng biển quốc tế Cái Cui, chỉ cách Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ khoảng 15 km. Hệ thống cơ sở hạ tầng KCN này đã được đầu tư khá hoàn chỉnh, đã lấp đầy được 83% diện tích với 15 dự án đầu tư.
Còn KCN Tân Phú Thạnh có tổng diện tích 202 ha, chỉ cách trung tâm TP. Cần Thơ khoảng 10 km; hiện tỉnh đã đầu tư xây dựng hoàn thiện các trục giao thông chính, bến cảng… Đến nay, đã có 26 nhà đầu tư trong và ngoài nước đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 70%.
Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang còn có các cụm công nghiệp tập trung được quy hoạch xây dựng ở vị trí “tiền sông, hậu lộ”, nằm kế cận TP. Cần Thơ, thuận lợi về giao thông thủy bộ… nên triển vọng thu hút đầu tư rất khả quan.
Bên cạnh quan tâm quy hoạch, xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung, tỉnh Hậu Giang cũng đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư vào tỉnh.
Tỉnh có chính sách gì để hỗ trợ nhà đầu tư, thưa ông ?
Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Hậu Giang luôn chú trọng tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương.
Ngoài những ưu đãi theo quy định chung, khi nhà đầu tư vào Hậu Giang còn được hưởng một số ưu đãi của tỉnh như: hỗ trợ nhà đầu tư về mặt bằng thực hiện dự án; hỗ trợ chuyển giao công nghệ và khuyến khích hoạt động khoa học công nghệ; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động; hỗ trợ phí đăng ký thành lập doanh nghiệp; hỗ trợ chi phí quảng cáo, quảng bá sản phẩm…
Hữu Phúc / baodautu.vn