Kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 9 tháng đầu năm của nhiều địa phương Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhìn tổng thể là khởi sắc, nhưng thiếu vắng những dự án lớn có sức lan tỏa, những dự án sử dụng công nghệ cao…
Dồn vốn vào dệt may, da giày
Theo báo cáo mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…, trong 9 tháng đầu năm, tình hình thu hút vốn FDI của các địa phương khá khởi sắc. Cụ thể, TP.HCM thu hút vốn FDI tăng hơn 64%, Bình Dương tăng 27%, chỉ có Đồng Nai đạt hơn 55% so với cùng kỳ năm trước.
Bosch Việt Nam là một trong 4 doanh nghiệp có giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao tại Đồng Nai. |
Trước đó, vào đầu năm, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương đã nhìn nhận, việc không có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình thu hút vốn FDI. Tuy nhiên, thực tế, Bình Dương vẫn đạt kết quả khả quan và đóng góp chủ lực chính là lĩnh vực dệt may.
Đơn cử, Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan) đã tăng vốn đầu tư tại Bình Dương thêm 485,8 triệu USD, đưa tổng vốn đầu tư đăng ký lên 760 triệu USD. Dự án này có mục tiêu hoạt động là sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester gồm xơ dài filament, sản phẩm sợi cotton, sợi tổng hợp và dệt kim.
Tại Đồng Nai, những dự án có vốn đầu tư lớn nhất đến từ lĩnh vực da giày. Cụ thể, dự án mới được cấp phép có vốn đầu tư đăng ký lớn nhất là của Công ty TNHH Powerknit Việt Nam (British Virgin Islands) có vốn đầu tư 60 triệu USD. Trong khi đó, dự án điều chỉnh tăng vốn lớn nhất là của Công ty TNHH Pou Sung Việt Nam (Hồng Kông) với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 80 triệu USD.
“Việc không có TPP ảnh hưởng không nhiều đến kế hoạch sản xuất, đầu tư mở rộng vì họ là những tập đoàn lớn có nhiều địa điểm sản xuất và có nhiều đối tác với những đơn hàng lớn, được ký dài hạn”, ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (Diza) nhìn nhận và cho biết, phản hồi từ các doanh nghiệp cho thấy, môi trường đầu tư tại Việt Nam là khá thuận lợi, do đó, họ sẽ tiếp tục tăng vốn đầu tư.
Thiếu dự án công nghệ cao
Theo thống kê của các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nếu không tính các dự án trong lĩnh vực dệt may, bất động sản…, thì 9 tháng đầu năm, không có dự án nào trong lĩnh vực sản xuất có quy mô vốn từ 100 triệu USD trở lên được cấp phép. “Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thu hút vốn FDI của Đồng Nai”, ông Nhơn lý giải và nhìn nhận, từ nay đến cuối năm, chưa thấy các tín hiệu sẽ có các dự án lớn cập bến.
Kết quả thu hút vốn FDI trong 9 tháng đầu năm TP.HCM thu hút được 3,71 tỷ USD, trong đó cấp mới cho 593 dự án, với tổng vốn đầu tư 925,1 triệu USD; 164 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư 690,78 triệu USD. Bình Dương đã thu hút được 1, 966 tỷ USD, trong đó có 148 dự án được cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,165 tỷ USD; 87 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 765 triệu USD. Đồng Nai thu hút được 955,5 triệu USD, trong đó cấp mới 55 dự án với tổng vốn 339,4 triệu USD; 84 dự án Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai |
Thế nhưng, đại diện Diza cho rằng, điều đó không đáng lo bằng việc thiếu các dự án sử dụng công nghệ cao, dự án có tính lan tỏa đối với hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội. Từ nhiều năm nay, Đồng Nai luôn chú trọng mời gọi các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc… hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Tại Đồng Nai, cũng đã có dự án đầu tư của một số tập đoàn lớn đến từ các quốc gia này, nhưng tính liên kết doanh nghiệp còn yếu, còn thiếu các nhà cung cấp nội địa.
Ông Nguyễn Hoàng Năng, Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, từ năm 2004, Hepza đã tập trung thu hút đầu tư vào những ngành có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh, tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng điểm và các ngành công nghiệp hỗ trợ theo chủ trương của Thành phố. Tuy nhiên, phần nhiều các dự án đầu tư lại có quy mô vốn nhỏ; số dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao chiếm tỷ lệ thấp. Tính đến nay, có chưa đến 10 doanh nghiệp đang hoạt động tại Hepza có giấy chứng nhận công nghệ cao và tỷ lệ công nghệ cao của các khu là trên 10%, tức là vẫn ở mức thấp.
Đại diện Diza cho rằng, việc thiếu vắng các dự án công nghệ cao cũng là vấn đề “đau đầu” trong thu hút đầu tư tại Đồng Nai. Địa phương này đã có 4 doanh nghiệp có giấy chứng nhận công nghệ cao, nhưng nhiều năm nay số lượng này không tăng. “Thủ tục thì nhiều và theo doanh nghiệp là còn nhiêu khê. Trong khi đó, những khuyến khích dành cho doanh nghiệp công nghệ cao cũng không thực sự hấp dẫn”, ông Nhơn nói về lý do doanh nghiệp chưa mặn mà trở thành doanh nghiệp công nghệ cao.
Đồng Nai khá kỳ vọng vấn đề này sẽ được giải quyết khi cấp phép cho Dự án Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành hồi tháng 7/2015. Dự án do Tập đoàn Amata (Thái Lan) làm chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích hơn 410 ha, với vốn đầu tư gần 300 triệu USD. Tuy nhiên, nguồn tin của Báo Đầu tư cho biết, đến nay, dự án này chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư.
“Nhà đầu tư liên tục hỏi về tiến độ giải phóng mặt bằng để triển khai kế hoạch đầu tư, xây dựng dự án”, nguồn tin nói và cho biết, dù chính quyền rất nỗ lực, song chưa thể khẳng định là thời điểm nào sẽ hoàn thành việc giải phóng mặt bằng.
Hồng Sơn / baodautu