Trải qua chiến tranh khốc liệt, dấu vết thời vua Minh Mạng của Thành cổ Quảng Trị nay chỉ còn lại vài đoạn tường thành, cổng tiền, cổng hậu…
Thành cổ nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị, cách quốc lộ 1A khoảng 2 km về phía đông, cách bờ sông Thạch Hãn chừng 200 m về phía nam. Thành được xây dựng vào đầu đời vua Gia Long, năm 1809 được đắp bằng đất, đến năm 1837 vua Minh Mạng cho xây lại thành bằng gạch.
Thành cổ Quảng Trị có chu vi hơn 2.100 m, thành cao 3 m, tường nơi mỏng nhất gần một mét. Được xây trên một khu đất cao tại xã Thạch Hãn, huyện Hải Lăng (nay thuộc thị xã Quảng Trị), thuận lợi giao thương với các nơi bằng tất cả phương tiện thủy bộ, thành xây theo lối kiến trúc thành trì đặc thù của Việt Nam, có hình vuông với 4 cửa xoay về các hướng, bên ngoài có hào rộng, bốn góc là 4 pháo đài nhô cao.
Cửa hậu là số ít kiến trúc còn sót lại. Cửa xây theo lối vòm cuốn, bên trên bị bom đạn đục thủng. Thời phong kiến, nội thành có các công trình như hành cung, cột cờ, các dinh Tuần Vũ, Án Sát, Lãnh Binh, Ty Phiên, Ty Niết, kho thóc, nhà kiểm học, trại lính… Tuy nhiên, các công trình này đều đã bị san phẳng do bọn đạn trong chiến tranh.
Với vị trí chiến lược về nhiều mặt, Thành cổ Quảng Trị được xem là tiền đồn phía bắc trấn thủ cho kinh đô Phú Xuân, đồng thời là nơi đặt trụ sở hành chính tại Quảng Trị của chính quyền phong kiến từ 1809 đến 1945. Trong ảnh là cổng hậu còn sót lại của Thành cổ Quảng Trị.
Để lại dấu ấn trong lịch sử của Thành cổ là cuộc chiến đấu ngoan cường 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972. Do phải gánh chịu một khối lượng bom đạn khổng lồ, Thành cổ chỉ còn dấu vết của một số đoạn thành, lao xá, cổng tiền, hậu…
Thành cổ Quảng Trị hôm nay rợp màu xanh yên bình của cây cối. Trong ảnh là đoạn tường còn lại của cửa phía bắc. Bên ngoài cánh cửa này là công viên và quảng trường Giải Phóng rộng lớn.
Khi thực dân Pháp đặt chính quyền bảo hộ thì bên trong thành cổ được xây dựng thêm nhà lao, toà mật thám, trại lính khố xanh, cơ quan thuế… Trong ảnh là nhà lao bên trong thành cổ, nơi từ năm 1929 đến năm 1972 đã giam cầm các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước.
Những năm 1990, Thành cổ Quảng Trị được tu sửa, bên trong trồng nhiều cây xanh biến đây thành “công viên tâm linh”, một “nghĩa trang không bia mộ” của hàng chục nghìn chiến sĩ, đồng bào. Hình ảnh nền là dấu tích còn sót lại của Thành cổ sau cuộc chiến năm 1972.
Chính giữa Thành cổ Quảng Trị bây giờ là đài tưởng niệm được đắp nổi có hình một nấm mồ chung, bốn phía gia cố xi măng tạo thành hình bốn cổng Thành cổ. Đây còn là hình tượng bát cơm úp theo truyền thống Việt Nam, với một cây hương bên trên tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để mảnh đất này tràn ngập màu xanh hôm nay.
Phía trên đài tưởng niệm này có khắc 81 tấm bia, là 81 tờ lịch tượng trưng cho 81 ngày đêm đỏ lửa mùa hè năm 1972. Xuyên suốt từ lúc đầu xây dựng cho đến khi bị tàn phá nặng nề vào mùa hè năm 1972, thành cổ Quảng Trị luôn là nơi đặt trụ sở chính trị, quân sự của nhà Nguyễn và tiếp theo là thực dân Pháp, chính quyền Sài Gòn.
Thành cổ Quảng Trị là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước và là điểm thu hút hấp dẫn khách tham quan trong nước và bè bạn quốc tế. Thành cổ Quảng Trị được bộ Văn hoá Thông tin (cũ) xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1986. Đầu năm 2015, Thành cổ này được nâng lên thành di tích quốc gia đặc biệt.