Doanh nghiệp Nhà nước – mảng trước giờ luôn đóng góp tỷ trọng lớn nhất vào tổng thu ngân sách – nay chỉ đạt 53% dự toán. Mức giảm thu này đã kéo tụt tổng thu ngân sách 8 tháng, góp phần nâng bội chi ngân sách 8 tháng lên tới 5,4 tỷ USD.
Báo cáo chi tiết về tình hình thu chi ngân sách tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Thu ngân sách 8 tháng đầu năm ước đạt 649 nghìn tỷ đồng, bằng 64% dự toán, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, đến tháng 8 năm ngoái, thu ngân sách đã đạt 67,7% dự toán.
Chi ngân sách 8 tháng đã đạt 770 nghìn tỷ, bằng 60,5% so với dự toán và tăng 5,6% so với cùng kỳ.
Như vậy, bội chi ngân sách 8 tháng đầu năm đã bất ngờ tăng lên 121 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 5,4 tỷ USD. 7 tháng đầu năm nay, bội chi ngân sách mới ở mức 78,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,5 tỷ USD.
Trong các khoản thu năm nay, khoản thu từ khối doanh nghiệp Nhà nước – khu vực trước giờ có tỷ trọng đóng góp lớn nhất vào thu ngân sách – chỉ đạt được 53% dự toán, giảm 5% so với cùng kỳ.
Việc sụt giảm nguồn thu từ khối này do các nguyên nhân:
- Lĩnh vực dầu khí: Giá dầu giảm dẫn đến hoạt động khai thác dầu khí giảm.
- Thủy điện: Doanh nghiệp thủy điện thì bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất thường và hạn hán nghiêm trọng. – Khoáng sản: Doanh nghiệp khai thác khoáng sản bị tác động bởi giá trên thế giới giảm sâu nên khó khăn trong thu từ cổ tức và lợi nhuận còn lại sau thuế cũng khó khăn trong 8 tháng đầu năm.
Khó khăn trong lĩnh vực dầu khí dẫn đến thu từ dầu thô mới đạt 49,7% so với dự toán và giảm 43% so với cùng kỳ. Dù sản lượng dầu thô đã bằng 74% so với kế hoạch năm nay nhưng giá lại giảm 18,7 USD/thùng so với dự toán (Giá dự toán là 60 USD/thùng nhưng thực tế chỉ đạt 41,3 USD/ thùng).
Thu nội địa đạt 66,6% và tăng 17% so với cùng kỳ. Theo bà Mai, tiến độ thu nội địa năm nay so với 2 năm liền kề (2014, 2015) cùng kỳ còn thấp hơn. Mặc dù vậy, các khoản thu quan trọng từ sản xuất kinh doanh vẫn có sự tăng trưởng khá, như thu từ công, thương nghiệp và quốc doanh đạt 72% dự toán và tăng 22% so với cùng kỳ, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 66,4% dự toán và tăng 14% so với cùng kỳ.
Cũng trong cuộc họp này, việc bán 12 “ông lớn” doanh nghiệp trong đó có Vinamilk, Sabeco, Habeco, FPT… cũng được đưa ra. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu việc bán cổ phần Nhà nước các ông lớn này phải theo thông lệ thị trường, công khai minh bạch...
Theo một chuyên gia ngành tài chính, chỉ cần bán hết vốn nhà nước tại 10 công ty thuộc SCIC cùng Habeco, Sabeco, Nhà nước có thể thu được tới 7 tỷ USD, tương đương khoảng 150.000 tỷ đồng.
Đây là một khoản đáng kể để bù đắp hụt thu cho ngân sách Nhà nước.
Bảo Bảo
Theo Trí Thức Trẻ