Giai đoạn 2015-2020, tỉnh Tuyên Quang tập trung phát triển một số ngành công nghiệp có tiềm năng lợi thế để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - xây dựng chiếm 40%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 17.600 tỷ đồng theo giá so sánh 2010.
Thủy điện Chiêm Hóa là nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam sử dụng công nghệ turbin chảy thẳng kiểu bóng đèn có thể phát điện với cột nước rất thấp (mức thấp nhất là 2,5 m và cột nước tính toán là 7m). |
Trong những năm qua, đặc biệt là sau khi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra phát triển công nghiệp là một trong bốn khâu đột phá, tỉnh Tuyên Quang đã quan tâm và có nhiều giải pháp tăng cường thu hút đầu tư vào một số ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế như: Đã quy hoạch phát triển công nghiệp định hướng đến năm 2020, quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung cho các dự án công nghiệp; quy hoạch, đầu tư hạ tầng thiết yếu của Khu Công nghiệp Long Bình An và các cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện, thành phố; ban hành một số chính sách khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh; tập trung cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn trong đền bù, giải phóng mặt bằng; xây dựng các dự án để gọi vốn đầu tư từ các nguồn vốn ODA, FDI, NGO...; thành lập Ban Chỉ đạo cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh...
Kết quả đến nay tỉnh Tuyên Quang đã thu hút và cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 108 dự án, với tổng số vốn đăng ký trên 17.900 tỷ đồng, có trên 1.050 doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và 05 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Một số dự án có quy mô lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động như: Nhà máy Bột giấy và giấy An Hòa, Nhà máy thuỷ điện Tuyên Quang, Nhà máy thủy điện Chiêm Hoá, Nhà máy xi măng Tân Quang, 2 Nhà máy may xuất khẩu… các dự án đầu tư trên địa bàn đã góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp.
Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư các dự án vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của một số ngành công nghiệp. Ngoài những nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ yếu là do chưa có mặt bằng sạch cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các khu, cụm công nghiệp chưa đồng bộ. Thủ tục hành chính chưa thực sự thông thoáng. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, sự phối hợp giữa các ngành, chính quyền địa phương một số việc chưa chặt chẽ. Công tác vận động, xúc tiến, hỗ trợ đầu tư chưa bài bản, chuyên nghiệp.
Giai đoạn 2015-2020, tỉnh Tuyên Quang tập trung phát triển một số ngành công nghiệp có tiềm năng lợi thế để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - xây dựng chiếm 40%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 17.600 tỷ đồng theo giá so sánh 2010; phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
Theo ông Trương Xuân Quý, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh, để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào một số ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế, như: Thủy điện cột nước thấp trên sông Lô; chế biến khoáng sản; chế biến nông, lâm sản; dệt may, da giày; chế tạo và lắp ráp linh kiện điện tử... cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành có liên quan phù hợp với tình hình chung cả nước, của vùng và của tỉnh. Huy động các nguồn vốn đầu tư và thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu của tỉnh. Đầu tư tạo quỹ đất sạch với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại các khu, cụm công nghiệp. Tăng cường năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, thông qua việc công khai minh bạch các thông tin cần thiết cho nhà đầu tư như quy hoạch, đất đai, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của địa phương, các cơ hội, dự án đầu tư cụ thể… Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thân thiện, giảm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư. Tạo điều kiện cho các dự án đã được cấp phép hoạt động có hiệu quả, xây dựng hình ảnh tốt đẹp về môi trường đầu tư của địa phương, làm tiền đề để thu hút được thêm nhiều các nhà đầu tư mới. Định kỳ hằng tháng, hàng quý, lãnh đạo UBND tỉnh cùng với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trực tiếp đối thoại với các nhà đầu tư thông qua hội nghị ngành, hoặc chương trình cà phê doanh nhân để kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện dự án; thu hồi các dự án không triển khai thực hiện, hoặc triển khai không đúng với quy định và cam kết của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới hoạt động của các cơ sở đào tạo nghề theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, liên kết đào tạo, nắm bắt nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh, của từng dự án đầu tư để từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác vận động, xúc tiến đầu tư, chủ động tìm gặp và mời gọi các nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án, nhất là năng lực về tài chính đầu tư vào tỉnh.
Theo tuyenquang.gov.vn