Đã “bốc hơi” gần 700 tỷ đồng do Covid-19 (tính đến 14/2), ngành du lịch Đà Nẵng đang phải tìm nhiều phương cách để “hồi sức”.
Rất nhiều giải pháp đã được đưa ra, song theo các chuyên gia, cũng nên tính ngay đến những giải pháp mang tính dài hơi, để có thể sớm bù đắp thiệt hại, tăng nguồn thu du lịch. Trong đó, các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh cần đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế ban đêm – loại hình vốn đã được địa phương này nghiên cứu thời gian qua.
Kích cầu du lịch phải đi đôi với tạo sản phẩm mới
Có thể coi dịch bệnh Covid-19 là “cú sốc” lớn đối với du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Đà Nẵng nói riêng. Vừa mất thị trường du lịch lớn là Trung Quốc, địa phương này lại đang đối mặt với việc mất tiếp thị trường khách Hàn Quốc.
Cũng vì “cú sốc” này, các mục tiêu phát triển của Đà Nẵng năm nay có thể khó hoàn thành. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã cảnh báo nguy cơ GDP năm 2020 của thành phố khó đạt được mức tăng trưởng 10%.
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch trên địa bàn trong quý I/2020 ước đạt 1.288.518 lượt, giảm 31,2% so với cùng kỳ 2019. Thống kê đến ngày 14/02/2020, tổng thiệt hại của các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú du lịch, vận chuyển… ước tính khoảng 685 tỷ đồng.
Đà Nẵng đang tìm mọi phương cách hồi sức cho ngành du lịch sau thiệt hại nặng nề vì Covid-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành du lịch Đà Nẵng đang tìm cách cứu vãn tình hình. Nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó có việc tái cơ cấu, đa dạng hóa thị trường du lịch để giảm thiểu thiệt hại, đưa ra các chương trình kích cầu, huy động doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nhà hàng, taxi, khu điểm du lịch… cùng hợp tác, đổi mới dịch vụ, chia sẻ nguồn lực để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh các giải pháp trên, Đà Nẵng cần triển khai sớm các giải pháp lâu dài để tăng “sức đề kháng”, tăng nhanh doanh thu. Lo kéo được khách đến, song cần tính chuyện tạo ra sản phẩm mới, hấp dẫn, đa dạng để tăng thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu, mua sắm, và kích thích du khách quay trở lại. Theo đó, câu chuyện thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm một lần nữa lại được đặt ra.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietravel, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam nhận định: “Không có sản phẩm ban đêm thì khó có thể giữ chân được du khách. Thực tế cho thấy, chúng ta đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trong khoảng thời gian từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều nhưng những sản phẩm này chỉ mang lại khoảng 30% doanh thu dịch vụ. Trong khi đó, 70% còn lại là các sản phẩm dịch vụ thu được từ 6h tối hôm trước đến 2h sáng hôm sau thì lại không phát triển. Các nước mạnh về du lịch đều tập trung đầu tư thúc đẩy hoạt động dịch vụ ban đêm.”
“Thắp sáng” kinh tế đêm càng nhanh càng tốt
Trước đó, cuối tháng 11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND TP Đà Nẵng nghiên cứu thực trạng bỏ lỡ cơ hội lớn từ kinh tế đêm, như báo chí phản ánh.
Thực hiện chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, Đà Nẵng đã bắt tay vào phân tích tình hình, đưa ra một số giải pháp cụ thể. Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 12, HĐND TP.Đà Nẵng khóa 9 (ngày 11/12/2019), lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương hoàn thiện dịch vụ du lịch khu phố An Thượng, tổ chức thí điểm chợ đêm 24/7 tại các khu vực bãi biển phố du lịch An Thượng; tổ chức phố đêm Bạch Đằng, kêu gọi dịch vụ giải trí đêm ở khu vực cầu Nguyễn Văn Trỗi… Đồng thời, Đà Nẵng xin phép Thủ tướng Chính phủ về việc cho thí điểm cơ chế hoạt động dịch vụ về đêm đến 24 giờ hàng ngày, theo đó sẽ chọn một số khu vực xa khu dân cư để khuyến khích vận động, kéo dài thời gian phục vụ du khách về đêm...
Theo kế hoạch, ngày 29/3 tới đây, Đà Nẵng sẽ khai trương phố đi bộ - chợ đêm Bạch Đằng (quận Hải Châu, Đà Nẵng) hoạt động từ 18h đến 2h sáng hôm sau, với nguồn vốn đầu tư 100% là tư nhân.
Hơn 1 tháng nữa, thành phố sông Hàn sẽ có thêm một sản phẩm du lịch về đêm mới phục vụ du khách, song Đà Nẵng còn cần nhiều hơn thế mới mong khai phá được “mỏ vàng” kinh tế đêm. Trong bối cảnh hiện nay, việc thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch lớn, uy tín là yêu cầu cấp thiết để xây dựng khu vực kinh tế đêm chuyên nghiệp.
Đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế ban đêm là giải pháp mang tính bền vững
Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Ngô Hoài Chung phân tích, trước hết Đà Nẵng cần tiến hành quy hoạch và đầu tư xây dựng các khu vực phát triển kinh tế đêm một cách khoa học, bài bản, từ đó có những khu vực dành riêng cho hoạt động kinh tế đêm, không ảnh hưởng đến khu dân cư. Thứ hai, chỉ đạo các nhà đầu tư lớn, những khu du lịch trọng điểm của Đà Nẵng nghiên cứu và phát triển sản phẩm du lịch về đêm. Thứ ba, cần có những cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích về thuế, phí, mặt bằng, sử dụng đất, từ đó thu hút nhà đầu tư vào kinh tế đêm. Thứ tư là xây dựng các chính sách để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách khi tham gia vào kinh tế đêm.
Được biết, ngay khi chính quyền Đà Nẵng đang nghiên cứu phát triển kinh tế đêm, đã có doanh nghiệp gửi công văn đề xuất được tự bỏ kinh phí thực hiện một số giải pháp nhằm xây dựng khu vực dịch vụ giải trí riêng về đêm, xa khu dân cư, không quá xa trung tâm. Cụ thể, Công ty TNHH Công viên Châu Á (thuộc Tập đoàn Sun Group) đề xuất cải tạo cảnh quan khu vực xung quanh Đài Tưởng niệm đường 2/9; thành lập “Phố đi bộ” đường Phan Đăng Lưu, đoạn từ nút giao đường Phan Đăng Lưu - 2/9 đến đường Thăng Long; mở cửa miễn phí Asia Park… Đây chính là doanh nghiệp đang vận hành công viên giải trí lớn nhất miền Trung Sun World Danang Wonders (Asia Park).
Có thể thấy doanh nghiệp quan tâm rất lớn đến kinh tế đêm ở Đà Nẵng. Đây là cơ hội không thể tốt hơn để Đà Nẵng tranh thủ nguồn lực xã hội hóa, đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế đêm, sớm lấy lại phong độ và bứt phá, tăng nhanh nguồn doanh thu ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.