Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra tại hiện trường. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Làm việc với các nhà máy nhiệt điện tại Vĩnh Tân, Bình Thuận sáng 15/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu và chính quyền địa phương phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình thi công, thử nghiệm và vận hành các nhà máy nhiệt điện.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác Chính phủ đã đi kiểm tra việc san nền từ vật liệu nạo vét tại công trường xây dựng cảng tổng hợp Vĩnh Tân; kiểm tra hoạt động và tiến độ xây dựng của các nhà máy.
Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân được đầu tư tập trung, công suất lớn, dự kiến sau khi tất cả các nhà máy hoàn thành, đây sẽ là trung tâm điện lực lớn nhất cả nước, tổng công suất gấp khoảng 4 lần Nhà máy Thủy điện Sơn La.
Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân gồm 5 nhà máy, trong đó có 2 nhà máy do EVN trực tiếp đầu tư là Vĩnh Tân 4 (2x600 MW) hiện đang hoàn thiện các công đoạn cuối cùng để chuẩn bị vận hành; nhà máy Vĩnh Tân 4 mở rộng (1x600 MW) đang xây dựng đạt hơn 50% tiến độ; 2 nhà máy theo mô hình BOT là Vĩnh Tân 1 (2x620 MW) và Vĩnh Tân 3 93x660 MW) hiện đang triển khai xây dựng. Nhà máy Vĩnh Tân 2 (2x622 MW) do Tổng Công ty Phát điện 3 làm chủ đầu tư hiện đã đi vào hoạt động.
Tại cuộc họp ngắn với chỉ huy công trường, lãnh đạo các nhà máy, ông Nguyễn Tài Anh – Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, năm 2016, Nhà máy Vĩnh Tân 2 đã sản xuất được hơn 7.100 tỷ kWh điện, đạt 101% kế hoạch, góp phần quan trọng đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía nam. Sản lượng điện lũy kế tính đến ngày 12/12 là 5,32 tỷ kWh.
Đến nay, các hệ thống xử lý, quan trắc khí thải, nước thải đang hoạt động ổn định, tin cậy. Tín hiệu quan trắc liên tục được chuyển về Sở TN&MT để giám sát theo quy định. Công tác vận chuyển, san lấp tro xỉ tại bãi xỉ đã đi vào nề nếp và thực hiện theo đúng quy trình, bãi xỉ không còn phát tán bụi ra môi trường.
Công ty Vĩnh Tấn 2 cũng đã ký hợp đồng với đối tác để bao tiêu sử dụng tro xỉ sản xuất vật liệu không nung. Dự kiến đến cuối tháng 3/2018 sẽ lần lượt đưa vảo sử dụng tất cả các dây chuyển, đảm bảo sử dụng hết toàn bộ tro xỉ của nhà máy hàng ngày.
Giao Bộ TN&MT chịu trách nhiệm kiểm soát, đảm bảo môi trường
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận nỗ lực của chủ đầu tư, các nhà thầu trong nước và quốc tế trong việc hoàn thành sớm nhiều hạng mục quan trọng trước tiến độ.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao các bộ, ngành, chính quyền tỉnh Bình Thuận đã luôn tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các nhà máy; sự ủng hộ của người dân đối với nhà máy thời gian qua.
Để Nhiệt điện Vĩnh Tân đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, đóng góp lớn cho an ninh năng lượng quốc gia, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu trước hết phải bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình xây dựng, thử nghiệm, vận hành và khai thác sau này.
“Không để xảy ra tai nạn, sự cố, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của người dân”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Theo Phó Thủ tướng, Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân ở gần khu bảo tồn Hòn Cau, do đó yêu cầu phải bảo đảm tuyệt đối an toàn về môi trường. Đánh giá cao Bộ TN&MT đã rất cầu thị, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, người dân để chuyển đổi phương án sử dụng vật liệu nạo vét, Phó Thủ tướng yêu cầu cần sớm có đánh giá tổng thể tác động môi trường của cả khu vực.
“Phải có đánh giá tổng thể môi trường trong cả khu vực, không chỉ riêng từng nhà máy. Giao Bộ TN&MT chịu trách nhiệm kiểm soát, đảm bảo an toàn môi trường trong khu vực”, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Cụ thể, phải kiểm soát chặt chẽ nước thải, nhiệt độ nước thải trước khi thải ra biển theo đúng quy định, đảm bảo không xảy ra sự cố.
Về xỉ thải, yêu cầu phải được xử lý và sử dụng làm vật liệu xây dựng thay thế vật liệu xây dựng truyền thống, vật liệu san nền, thậm chí là các loại vật liệu bảo vệ bờ biển. Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT, Bộ KH&CN sớm có công bố các tiêu chuẩn chất lượng để đảm bảo xử lý toàn bộ tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện nói chung, Nhiệt điện Vĩnh Tân nói riêng.
Về khí thải, yêu cầu phải được xử lý trước khi thải ra môi trường, do đó các nhà máy cần phải đặc biệt chú ý đến công nghệ xử lý.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu phải có ban quản lý tổng thể khu vực Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân để quản lý tổng thể hạ tầng, trong đó có hạ tầng xả thải; điều phối sản xuất chung của các nhà máy… Ban Quản lý hoạt động lâu dài cùng với dự án. Đây sẽ là đầu mối quản lý, điều tiết chung của tất cả các nhà máy.
“Khu đầu tư 10 tỷ USD mà không có Ban Quản lý thì không thể nào kiểm soát được. Phải có một cơ quan để điều phối, kiểm soát chung. EVN chủ động triển khai, có báo cáo cụ thể. Việc quan trắc môi trường, không phải cứ chuyển đến Sở TN&MT là xong, mà trước hết phải kiểm soát, giám sát được ngay tại chỗ”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng làm việc với lãnh đạo các nhà máy nhiệt điện tại Vĩnh Tân. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu phải đảm bảo chất lượng cho các nhà máy; yêu cầu các nhà thầu tiếp tục tập trung nhân lực, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Đối với cảng tổng hợp Vĩnh Tân, Phó Thủ tướng yêu cầu quá trình san nền phải được kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra sự cố. Cùng với đó, cảng cần đầu tư trang thiết bị, công nghệ quản lý cảng, bốc dỡ hàng hóa hiện đại, đảm bảo vừa đáp ứng yêu cầu hoạt động của các nhà máy nhiệt điện, vừa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các chủ đầu tư cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các địa phương trong việc xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là phát triển hạ tầng thiết yếu.
“Người dân đã ủng hộ, di dời nhà cửa cho dự án phải được hưởng lợi từ các dự án. Yêu cầu chủ đầu tư các nhà máy sớm có báo cáo chi tiết việc hỗ trợ người dân, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Ngay sau cuộc họp tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, Phó Thủ tướng và đoàn công tác Chính phủ sẽ có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Thuận.
Theo Xuân Tuyến
Chinhphu.vn