Giá cá tra nguyên liệu sụt giảm xuống mức kỷ lục, giá lúa gạo xuất khẩu bấp bênh…, nhiều mặt hàng nông nghiệp chủ lực ở ĐBSCL vẫn đang lâm vào cảnh lao đao chưa có hồi kết…
Trong tháng 7 vừa qua, xuất khẩu gạo của các DN đã giảm mạnh với khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 274.000 tấn, với giá trị đạt 120 triệu USD, nâng tổng khối lượng xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2016 ước đạt 2,93 triệu tấn và 1,32 tỉ USD, giảm 18,4% về khối lượng và giảm 14,4% về giá trị so với cùng kỳ. Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo, những tháng gần đây, doanh nghiệp chủ yếu giao hàng cho những hợp đồng đã ký trước đó, còn hợp đồng ký mới không nhiều; đặc biệt là hợp đồng tập trung có xu hướng giảm do sự thay đổi về chính sách nhập khẩu của các nước. Gạo Việt Nam cũng đang chịu áp lực cạnh tranh lớn từ Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ.
Ngoài lúa gạo, hiện giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Cụ thể, tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL như: An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre… giá cá tra nguyên liệu loại thịt trắng đang ở mức từ 17.500-18.500 đồng/kg, giảm hơn 2.000 đồng mỗi kg so với cùng kỳ.
Có thông tin lý giải việc giá xuất khẩu quá thấp như hiện nay còn do chính các nhà xuất khẩu cạnh tranh gay gắt muốn giành đơn hàng đã giảm giá bán sát đáy, kéo theo là giảm chất lượng, giảm giá thu mua. Các nhà nhập khẩu biết được điều này nên càng trả giá thấp.
Hiện nay, nhiều DN chế biến cá tra xuất khẩu đã trực tiếp tham gia nuôi cá tra để chủ động phần lớn nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Gần đây, giá cá tra phi lê xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp vẫn bình ổn nhưng giá thu mua cá tra nguyên liệu trong nước lại giảm mạnh là thiệt thòi lớn cho các hộ nuôi cá tra. Với giá bán cá tra nguyên liệu hiện nay, nhiều người nuôi cá đã lỗ trên dưới khoảng 3.000 đồng/kg...
Theo Lao Động