Một số địa phương chạy theo thành tích nên vay nợ xây dựng các công trình. Điều này dẫn đến nợ đọng không có khả năng trả. Khoản nợ đọng của các tỉnh thành đã lên tới hơn 15.000 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Báo cáo Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 trong những tháng đầu năm của Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã nêu lên vấn đề chạy theo thành tích trong xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, ông Thanh cho biết: Một số địa phương chạy theo thành tích nhất là chạy thành tích toàn huyện đạt tiêu chí nông thôn mới nên vay nợ xây dựng các công trình, dẫn đến nợ đọng không có khả năng trả.
Tính đến tháng 6/2016, số nợ đọng ở 52 tỉnh, thành phố lên đến 15.212 tỷ đồng.
Với Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đến tháng 6/2016 có gần 2.000 xã (chiếm 22% số xã) đạt 19 tiêu chí và có 23 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới.
Tuy nhiên, cần có đánh giá chuyển biến về chất, nhất là hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng lực cạnh tranh, tăng thu nhập, giảm thiểu rủi ro và bảo đảm phát triển bền vững.
Nhiều tiêu chí chưa tác dụng hiệu quả rõ nét như tiêu chí quy hoạch, mặc dù đạt 98,7% số xã hoàn thành công tác quy hoạch nhưng còn chung chung, chưa có đồ án quy hoạch chi tiết, chưa triển khai trên thực địa, các tiêu chí về chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập, phát triển hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị chưa nhiều.
Các tiêu chí liên quan đến đầu tư cơ sở vật chất như giao thông nông thôn miền núi, chợ, nhà văn hóa cấp xã, đường giao thông nội đồng… khó thực hiện, khó mang lại hiệu quả.
“Đặc biệt tiêu chí môi trường còn đạt rất thấp chỉ có 42,4% số xã đạt tiêu chí”, ông Thanh nhìn nhận.
Bảo Bảo
Theo Trí Thức Trẻ