Theo Tổng cục Thống kê, lượng gạo xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 4,25 triệu tấn, trị giá 1,91 tỷ USD, giảm 20,6% về lượng và “âm” 16,3% giá trị so với cùng kỳ năm 2015 - những con số đáng lo ngại.
Ảnh minh họa
Các chuyên gia trong ngành gạo nhìn nhận: Năm 2016 là một năm nhiều khó khăn với gạo xuất khẩu của Việt Nam nguyên nhân do nhu cầu thị trường giảm sút, cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu gạo gay gắt, trong khi những quốc gia được coi là “mới” tham gia xuất khẩu gạo lại đã và đang chứng tỏ sức hút đáng kể với bên mua.
Vì vậy, ngay từ giữa năm 2016, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm nay từ 6,5 triệu tấn xuống còn 5,65 triệu tấn. Tuy nhiên, ngay cả mục tiêu đó cũng khó đạt được, bởi 2 tháng cuối năm, thị trường gạo tập trung chỉ còn Philippines và Trung Quốc, nhưng nhu cầu cũng không cao.
Trong bối cảnh xuất khẩu gạo đang khó khăn, thông tin 29 lô gạo bị phía Mỹ trả về do vi phạm quy cách đóng gói hoặc doanh nghiệp vi phạm hợp đồng đã ký kết, trong đó chỉ có 6 lô hàng bị trả về do chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (những loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng trong nước), đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Rất đáng ghi nhận, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã nhanh chóng làm việc với phía đối tác Mỹ để xử lý tình hình, kết quả đáng mừng: Phía Mỹ giúp Việt Nam xây dựng quy định về lượng tồn dư tối đa của một số hoạt chất bảo vệ thực vật chính trên gạo. Với một số hoạt chất được phép sử dụng tại Việt Nam mà không có trong quy định của Mỹ, Cục Bảo vệ thực vật sẽ hướng dẫn để nông dân hạn chế tối đa, thậm chí không sử dụng, tránh tái diễn tình trạng gạo xuất khẩu bị trả về. Trước khi xuất khẩu, doanh nghiệp cần kiểm nghiệm mẫu gạo để chắc chắn không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật bị cấm...
Đó chỉ là một trong những giải pháp tình thế trong bối cảnh khó khăn. Còn về lâu dài, những giải pháp mang tính chiến lược để lấy lại “phong độ” cho gạo Việt cũng đã được đề cập rất nhiều, như: Tăng cường xúc tiến thương mại; mở thị trường mới; phát triển giống mới, nâng cao chất lượng gạo; xây dựng những thương hiệu gạo quốc gia...v.v
Thực tế, những giải pháp đó đã được bàn luận, khuyến nghị từ rất lâu rồi, song thực thi chẳng được là bao. Và như vậy, xuất khẩu gạo năm 2017 và những năm tiếp theo sẽ ra sao?
Phương Lan / baocongthuong