Nếu khai thác thêm khoảng 300-400 dự án thủy điện nhỏ và vừa tổng công suất nguồn thủy điện mới khai thác này sẽ đạt được từ 3.000 – 4.000 MW, tương đương khoảng 15 tỷ kWh điện năng.
Ảnh minh họa. |
“Sống lại” dự án thủy điện vừa và nhỏ
Tại Hội nghị phát triển thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng tái tạo diễn ra vào sáng nay (28/7), ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) đã đề xuất việc xem xét, cho đầu tư lại các dự án thủy điện nhỏ và vừa đã bị loại bỏ trong những năm vừa qua.
Ông Ngãi cho biết, do phong trào xây dựng thủy điện ồ ạt từ những năm 2010 - 2014, nảy sinh một số bất cập, tồn tại; có một số dự án làm ảnh hưởng môi trường rừng và xả lũ không đúng quy định, Quốc hội đã đồng ý loại khỏi quy hoạch trên 400 dự án.
Tuy nhiên, ông Ngãi cũng cho biết, mặt tích cực là trên 300 dự án thuỷ điện vừa và nhỏ đã được xây dựng với tổng công suất khoảng 4.000 MW đã đóng góp mỗi năm hơn 10 tỷ kWh điện vào hệ thống. Nhiều dự án đã hoạt động ổn định, trồng lại rừng và không ảnh hưởng đến tái định cư, đời sống nhân dân vùng thương lưu và hạ du, quy trình xả lũ đã theo đúng với quy trình được cấp có thẩm quyền ban hành.
“Do vậy, cần xem xét lại, trong số các dự án còn có khả năng đầu tư tiếp, đó là những dự án có hiệu quả kinh tế, có công suất điện khá (trên 30 MW trở lên), nên tiếp tục cho đầu tư xây dựng, cung cấp điện cho các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, giảm bớt gánh nặng cho hệ thống điện quốc gia, nhưng với điều kiện đảm bảo quy trình lập đề án,… tổ chức xây dựng, hạn chế tối đa phá hoại rừng, cần phải có quy trình chặt chẽ xây dựng các dự án này; trong đó có vận hành hồ chứa”, ông Ngãi nói.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Phan Duy Phú, Phó Vụ trưởng Vụ Thủy điện, Tổng cục năng lượng cho biết thêm, để định hướng phát triển thủy điện vừa và nhỏ một cách bền vững, trước mắt, cần xem xét điều chỉnh quy hoạch phân cấp công trình trong quản lý chất lượng công trình xây dựng đảm bảo phù hợp với điều kiện năng lực của các Sở Công Thương. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương để thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, vận hành và khai thác các công trình thủy điện.
Việc khai thác tiềm năng thủy điện đã và sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho địa phương và đất nước, mang lại doanh thu cho các doanh nghiệp và tăng sản lượng điện cung cấp trên địa bàn, giải quyết được bài toán thiếu điện hiện nay. Nhưng để khai thác tối đa, có hiệu quả tiềm năng thủy điện, ông Phan Văn Cương, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho hay, cần xem xét lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực quản lý.
Năng lượng tái tạo còn thiếu quy hoạch
Ngoài việc đặt vấn đề cho “sống lại” những dự án thuỷ điện vừa và nhỏ, các chuyên gia tại hội thảo cũng chia sẻ quan điểm về năng lượng tái tạo từ gió, điện mặt trời, điện sinh khối.
Ông Ngãi dẫn chứng, nguồn năng lượng mặt trời ở Việt Nam có quanh năm. Với công nghệ hiện đại như bây giờ ở cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 việc sản xuất, chế tạo tuabin gió không quá đắt đỏ như trước, với đố độ gió 5m/s trở lên, tuabin gió đã tạo ra điện có hiệu quả. Vì vậy, hàng năm có thể tận dụng từ 2.000h-3.000h để khai thác nguồn điện gió điện mặt trời này.
Hơn thế, giá điện mặt trời của Việt Nam vừa được Chính phủ phê duyệt là 2.086 đồng/kWh (tương đương 9,35 cent/kWh), đó là mức giá tốt nhất, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tương tự nguồn tài nguyên gió của Việt Nam cũng dồi dào, với lợi thế bờ biển dài, việc đầu tư các dự án điện gió hết sức thuận lợi.
Dự tính suốt chiều dài bờ biển của đất nước, có thể lắp đặt các tubin gió tạo ra được hàng chục nghìn MW công suất điện gió kể cả đồng bằng trung du miền núi đều có thể phát triển điện gió tùy tốc độ gió khác nhau và chiều cao tuabin khác nhau.
Với công nghệ hiện đại như hiện nay, chỉ cần tốc độ gió 5m/s trở lên tubin đã có thể phát điện hiệu quả, công suất của dạng năng lượng này có thể đạt hàng chục nghìn MW.
Nói về khó khăn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, ông Phạm Viết Hùng, đại diện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, các quy hoạch năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng (trừ thủy điện nhỏ) mới có quy hoạch theo vùng, khu vực còn quy hoạch dự án chưa có. Trong khi, đây là “đầu vào” để các nhà đầu tư quan khi đã xác định được địa điểm, vị trí tránh bất cập trong các quy hoạch trên cùng địa bàn.
Bên cạnh đó, công suất phát của năng lượng tái tạo không ổn định do bị phụ thuộc vào vận tốc gió, thời điểm nắng trong ngày ở các vùng khác nhau, phụ thuộc vào thời tiết… Chính vì thế, đây là sức ép lớn của EVN trong việc đảm bảo ổn định cho hệ thống điện.
Ngoài ra, hệ thống các tiêu chuẩn chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng tái tạo còn thiếu, chưa đồng bộ.
Với những khó khăn này, ông Hùng đề xuất, để phát triển năng lượng tái tạo cần tiếp tục tạo lập cơ chế chính sách để thu hút mọi nguồn lực đầu tư cho năng lượng tái tạo. “Với số vốn đầu tư 10,8 tỷ USD/năm cho giai đoạn 2021-2030 là khoản tiền rất lớn vì thế cần huy động toàn bộ nguồn lực mới đáp ứng được các vấn đề tài chính”, ông Hùng nói.
Tâm An / BizLIVE