Ngành dệt may mong muốn doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam đầu tư Kho ngoại quan nhằm dự trữ bông vải nhập khẩu, giảm chi phí bảo quản, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và gắn kết hơn nữa với các nhà nhập khẩu Mỹ.
Tại buổi gặp gỡ giữa Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) với Hiệp hội Bông Mỹ sang thăm quan và tìm hiểu cơ hội đầu tư về lĩnh vực dệt may tại Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, ông Vũ Đức Giang đã trực tiếp đề nghị các doanh nghiệp bông Mỹ lưu ý đến việc đầu tư xây dựng Kho ngoại quan bông vải tại Việt Nam trong thời gian tới.
Việt Nam hiện phải nhập khẩu 98% bông phục vụ cho ngành kéo sợi.
Theo Vitas, ngành sợi Việt Nam hiện nay đạt 7,8 triệu cọc sợi, nhu cầu phát triển ngành sợi của Việt Nam rất cao, kéo theo lượng bông phục vụ kéo sợi, sản xuất vải tăng nhanh chóng.
Sản xuất bông trong nước gần như không phát triển được. Hiện, ngành dệt may chỉ tự cung ứng được 2% nhu cầu sử dụng bông, 98% đều phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Qua thăm dò của Vitas thì bông Mỹ vẫn được các doanh nghiệp sợi Việt Nam đánh giá cao và sử dụng nhiều nhất. Đó là lý do ông Giang đề nghị Chính phủ Mỹ, các doanh nghiệp Mỹ đầu tư tổng Kho ngoại quan tại Việt Nam, nhằm đáp ứng nhanh nhất thời gian giao hàng cho các doanh nghiệp, loại bỏ việc các doanh nghiệp hủy các hợp đồng mua bông.
Vitas tính toán, nếu Kho Ngoại quan được đầu tư và đi vào hoạt động, sản lượng bông sẽ tăng lên 30 – 40% so với hiện nay. Kho Ngoại quan nhằm dự trữ bông nhập ngoại, giảm chi phí bảo quản, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu.
Nguồn cung cấp bông tư Mỹ đã trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam trong những năm qua.
Năm 2015, chi nhập khẩu bôn hơn 1,6 tỷ USD, thì nhập khẩu bông từ Mỹ chiếm 45%, tiếp đến là Ấn Đô, Brazil…
Đại diện Hiệp hội Bông Mỹ, ông William R.Bettendorf khẳng định, trong thời gian tới Hiệp hội Bông Mỹ sẽ đầu tư mạnh vào thị trường Việt Nam.
Thế Hải / baodautu.vn