Việc sử dụng vốn vay ODA cho phần hỗ trợ ngân sách nhà nước được cho là lối thoát khả dĩ nhất cho tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa.
Ban quản lý dự án 1 (PMU1) vừa đề xuất phương án vốn mới nhất cho Dự án đường cao tốc đoạn Ninh Bình – Thanh Hóa dự kiến đầu tư theo hình thức BOT.
“PMU1 đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa công trình này vào danh mục các dự án sử dụng vay vốn từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho phần vốn hỗ trợ của Nhà nước”, ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó tổng giám đốc PMU1 cho biết.
Cụ thể, đơn vị được Bộ GTVT giao chuẩn bị đầu tư đề nghị vay JICA 6.310 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư Dự án là 19.512 tỷ đồng; phần vốn còn lại trị giá 13.202 tỷ đồng sẽ do nhà đầu tư BOT tự huy động.
Nhu cầu có thêm 1 tuyến cao tốc mới cho khu vực Bắc Trung Bộ là khá cấp bách khi lượng xe qua Thanh Hóa đến Nghi Sơn theo Quốc lộ 1 đang tăng cao |
Được biết, vào giữa tháng 1/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 82/TTg – KTN đồng ý chủ trương hỗ trợ ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án đường bộ cao tốc đoạn Ninh Bình (Mai Sơn) – Thanh Hóa (Quốc lộ 45) và đoạn Quốc lộ 45 – Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Tuy nhiên, do kinh phí ngân sách hiện hạn hẹp, việc cân đối, bố trí 6.310 tỷ đồng cho 1 dự án dù có sức lan tỏa rất cao như tuyến cao tốc Ninh Bình – Thanh Hóa là không thể.
Theo các chuyên gia, nếu phương án này được chấp thuận sẽ không chỉ cởi nút thắt về vốn, mà còn biến công trình này trở thành một dự án PPP điển hình với sự tham gia của Nhà nước lên tới gần 40% tổng mức đầu tư.
Trong đề xuất mới nhất gửi tới bộ chủ quản, PMU1 không nói rõ khả năng tham gia tài trợ vốn của JICA cho Dự án hay không. Tuy nhiên, ngoài Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhật Bản đang bày tỏ quan tâm tới các dự án đường bộ cao tốc tuyến Bắc – Nam. Hiện nhà tài trợ song phương này đã tham gia tài trợ cho 3 phân đoạn tại tuyến cao tốc xuyên Việt là: TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; Bến Lức – Long Thành và Đà Nẵng – Quảng Ngãi với số vốn giải ngân thực tế tính đến 31/12/2015 đã vượt quá 1 tỷ USD.
Là một trong những phân đoạn quan trọng của tuyến cao tốc Bắc – Nam, Dự án đường cao tốc Ninh Bình – Thanh Hóa có chiều dài tuyến 106 km. Theo đề xuất của đơn vị chuẩn bị đầu tư, Dự án sẽ được xây dựng với quy mô 6 làn xe, vận tốc 120 km. Tổng mức đầu tư của Dự án dự kiến lên tới 19.512 tỷ đồng
Để đảm bảo tính khả thi, PMU1 đề nghị tách Dự án thành 2 phân đoạn. Phân đoạn I từ Mai Sơn – Quốc lộ 45 dài 69,2 km, phân kỳ giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe, bề rộng mặt đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn này khoảng 13.587 tỷ đồng. Dự kiến, công trình được đầu tư theo hình thức BOT, trong đó nhà nước hỗ trợ 4.900 tỷ đồng, thời gian thu phí 23 năm.
Phân đoạn II, đoạn Quốc lộ 45 – Nghi Sơn (Thanh Hóa) dài 39 km, nhà nước hỗ trợ 1.410 tỷ đồng, thời gian thu phí sẽ kéo dài 23 năm.
“Nếu Nhà nước không tham gia sâu bằng việc hỗ trợ ngân sách, Dự án hoặc sẽ phải kéo dài thời gian hoàn vốn hoặc nếu giữ nguyên thời hạn thu phí thì sẽ không thể hoàn vốn. Cả hai phương án này sẽ khiến công trình trở nên không hấp dẫn đối với các nhà đầu tư”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá.
Hiện nay, nhu cầu có thêm 1 tuyến cao tốc mới cho khu vực Bắc Trung Bộ là khá cấp bách. Bởi theo dự báo, lưu lượng xe qua Thanh Hóa đến Nghi Sơn theo Quốc lộ 1 sẽ lên tới khoảng 95.000 xe/ngày đêm vào năm 2020. Trước đây, Bộ GTVT từng lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án từ Ninh Bình đến Nghi Sơn (Thanh Hóa) dài 121 km, tuy nhiên dự án chưa được phê duyệt do không có nguồn vốn.
Cho tới thời điểm nafày, đang có khá nhiều nhà đầu tư quan tâm tới Dự án, trong đó có Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh, Liên danh nhà đầu tư Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 – FECON; Vạn Cường – Trico.
Tuy nhiên, tất cả đều đang trong “chế độ chờ” nếu như phần tham gia của Nhà nước không được xác định rõ ràng.
Anh Minh - baodautu.vn