Với việc bỏ điểm sàn, siết chặt đầu ra Bộ GD&ĐT mong muốn chấm dứt tình trạng học sinh cứ đỗ ĐH là tốt nghiệp, không biết chất lượng đào tạo trong 4-5 năm ra sao.
Ảnh minh họa: Việc bỏ điểm sàn dựa trên các quy định về lộ trình tự chủ ĐH, thực hiện tuyển sinh riêng của các trường.
Chọn ngưỡng đầu vào thấp là tự sát
Trên thực tế, điểm sàn từ lâu đã không còn tác dụng giới hạn ngưỡng đảm bảo tối thiểu chất lượng đầu vào vì theo lộ trình tự chủ tuyển sinh, nhiều trường đã xây dựng phương án tuyển sinh riêng bằng cách kết hợp kết quả xét học bạ, xét điểm trung bình môn trong kỳ thi THPT quốc gia, phỏng vấn…
Thay vào đó điểm sàn chỉ còn là điều kiện cần đối với thí sinh tham gia xét tuyển còn có được nộp đăng ký xét tuyển không phụ thuộc vào quy định của từng trường ĐH.
Theo Bộ GD&ĐT, trong xu thế hội nhập, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, các nhóm ngành nghề đào tạo của ĐH, CĐ ngày càng đa dạng, phong phú, không chỉ đơn thuần xoay quanh 3 khối chính (A, C, D) như trước, do đó, việc đưa ra một mức điểm sàn cho tất cả các trường, tất cả các ngành là không còn phù hợp.
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho biết thêm mỗi năm trung bình có khoảng 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT. Những năm gần đây, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH được xác định ổn định khoảng hơn 400.000 sinh viên. Tại kỳ thi THPT năm 2016 hệ số dư trên điểm sàn là 127% so với chỉ tiêu nhưng số tuyển được chỉ có khoảng 75% chỉ tiêu. Có hơn 100.000 thí sinh dù đủ điểm vào một trường ĐH, CĐ nhưng không nhập học mà quyết định thi lại vào năm sau hoặc đi học nghề. Xu hướng xã hội cho thấy, vào ĐH dần không còn là cánh cửa duy nhất vào đời.
Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hoàng Minh Sơn cho hay: “Trước đây, không ít trường đã phản đối quan điểm phải có ngưỡng đảm bảo chất lượng với lý do Bộ GD&ĐT can thiệp quá sâu vào công việc tuyển sinh của trường. Nhưng với việc bỏ điểm sàn các trường sẽ có quyền tự quyết định điều kiện đầu vào và có trách nhiệm giải trình xã hội về quyết định của mình”.
Năm nay mọi thông tin cơ sở dữ liệu về điểm thi, nguyện vọng, điểm chuẩn từng trường, số lượng thí sinh trúng tuyển đều công khai trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, vì thế nếu trường nào lấy điểm quá thấp, thí sinh, phụ huynh và xã hội sẽ lập tức thấy khoảng cách, vị trí của trường đó trong bảng so sánh tổng quan chung.
Việc chọn điểm đầu vào thấp là các trường tự nhận mình là chất lượng thấp sẽ khó thu hút được thí sinh. Người tuyển dụng lao động cũng sẽ quay lưng với sinh viên tốt nghiệp từ những trường này.
Vì thế, ông Sơn cho rằng, khi Bộ không quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thì các trường sẽ phải hết sức cân nhắc để quyết định ngưỡng này hợp lý.
“Tôi chắc chắn sẽ không có trường nào hạ thấp điểm chuẩn để thu hút thí sinh. Vì ai cũng biết chất lượng đào tạo mới là yếu tố thu hút thí sinh, giúp nhà trường tồn tại lâu dài”.
Ảnh minh họa
Mở đầu vào, siết đầu ra
Tôn trọng quyền tự chủ của các trường, nhưng với trách nhiệm của cơ quan quản lý, Bộ GD&ĐT cũng đồng thời có nhiều giải pháp để đảm bảo chất lượng ĐH, CĐ khi bỏ điểm sàn.
Theo đó, tuy không còn quy định điểm sàn nhưng các trường phải công khai điều kiện đảm bảo chất lượng, công bố chuẩn đầu ra, tham gia kiểm định chất lượng, công bố tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Các chuẩn đầu ra này phải phù hợp với Khung trình độ quốc gia Chính phủ mới ban hành.
Việc kiểm tra, kiểm định chất lượng đầu ra sẽ do các Trung tâm kiểm định và các tổ chức kiểm định độc lập đánh giá thường xuyên. Việc công bố đạt các chuẩn này được coi là một tiêu chí quan trọng hàng đầu về đảm bảo chất lượng, uy tín cũng như thương hiệu của các trường.
Đánh giá về chủ trương mở đầu vào, siết đầu ra bằng cách tăng cường kiểm định, ông Hoàng Minh Sơn nhận định: “Việc mở đầu vào là tạo điều kiện, cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH cho các thí sinh có nguyện vọng, mong muốn được học ĐH. Siết đầu ra là để thực hiện trách nhiệm của trường ĐH với xã hội. Như vậy chất lượng đào tạo sẽ được kiểm soát trong suốt quá trình đào tạo cho đến khi sinh viên tốt nghiệp ra trường tìm được việc làm chứ không phải chỉ chú trọng mỗi đầu vào như trước”.
Và điều này sẽ chấm dứt tình trạng cứ vào ĐH là tốt nghiệp, bất chấp chất lượng sau 4-5 năm đào tạo ra sao như chia sẻ của Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi Nguyễn Quang Kim.
Theo Minh Khôi
Báo điện tử Chính phủ