Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tưởng như xa lạ với nhiều người nhưng giờ đây đã trở thành "đặc sản" thú vị đối với du khách trong và ngoài nước khi về thăm quê Bác, góp phần tạo nên sức hút cho du lịch Nghệ An.
Một tiết mục dân ca ví giặm biểu diễn tại Khu di tích Kim Liên
Không ánh đèn sân khấu, không chỗ ngồi trang trọng, chỉ có những làn điệu dân ca ví, giặm giới thiệu về quê hương, về đất nước con người xứ Nghệ, giới thiệu về cội nguồn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngọt ngào, tha thiết đã níu chân du khách thập phương. Từ đầu tháng 5 đến nay, đều đặn mỗi sáng, trong khoảng thời gian 2 giờ đồng hồ, anh chị em nghệ sĩ Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ lại bắt đầu buổi biểu diễn của mình tại Khu di tích Kim Liên. Nghe, xem để hiểu thêm, biết thêm về cái hay, cái đẹp của con người xứ Nghệ.
Hoàng Trù, Kim Liên là cái nôi của dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Bà Hoàng Thị Loan – thân mẫu của Bác Hồ vốn là một nghệ nhân hát dân ca rất hay. Trong những ngày tháng 5 này, tỉnh Nghệ An, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nghệ An cho phép Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ tổ chức tháng biểu diễn phục vụ du khách thập phương hành hương về quê Bác. Đây là sự kiện trong chuỗi hoạt động giới thiệu, quảng bá dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và kỷ niệm 126 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Biểu diễn tại Khu di tích Kim Liên là một địa điểm khá thuận lợi, quảng bá rộng rãi tới du khách trong nước và nước ngoài.
Đây là lần đầu tiên, Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ tổ chức biểu diễn phục vụ du khách thập phương, kết hợp giữa du lịch và văn nghệ dân gian truyền thống, do đó, vừa biểu diễn, anh chị em nghệ sĩ trung tâm vừa tìm hiểu, thăm dò ý kiến của du khách để trung tâm cố gắng biểu diễn tốt hơn, gần hơn với du khách. Để có lịch trình biểu diễn phục vụ cho du khách thập phương, các anh chị em nghệ sĩ của Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ đã tập luyện trước hàng tháng, chương trình, tiết mục biểu diễn cũng được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch duyệt thông qua mới được biểu diễn phục vụ du khách.
Ở đây, anh chị em nghệ sĩ biểu diễn ban ngày, người đi qua hay về lại, họ có thể dừng chân 5 phút hoặc 1 đến 2 bài thì du khách lại phải tiếp tục hành trình du lịch của mình. Thế nên việc đón khách hay biểu diễn của Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ cho đúng giờ giấc, bài bản như những lần đi biểu diễn ở các địa phương khác thì cũng khác hơn. Tại đây, trung tâm phải linh hoạt, kể cả chương trình, ban đầu trung tâm lên một kế hoạch sẵn, lịch trình, tiết mục biểu diễn rõ ràng, theo thứ tự nhưng trong quá trình biểu diễn trưởng đoàn lại có thể đảo đi cho phù hợp với nhu cầu xem, nghe của các du khách. Hay có thể cùng giao lưu văn hóa giữa các vùng miền khi du khách có nhu cầu cùng biểu diễn để họ giới thiệu quảng bá văn hóa địa phương ngay tại quê hương của Người. Dù chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp, nhưng điều ghi nhận chính là tình cảm, là tình người.
Những tiết mục biểu diễn là những tiết mục đặc sắc của dân ca ví, giặm, kết hợp giữa phong cách biểu diễn truyền thống và đương đại để phục vụ khách du lịch. Bên cạnh những làn điệu dân ca lời cổ sẽ đan xen những ca khúc mang âm hưởng dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh về Bác Hồ và quê hương Nam Đàn. “Chúng tôi cũng cân nhắc chọn địa điểm biểu diễn phù hợp với không gian di tích, vừa phải phù hợp với không gian diễn xướng của dân ca, thiết kế được sân khấu theo đúng chủ điểm. Việc đưa dân ca ví, giặm vào phục vụ khách du lịch tại Khu di tích Kim Liên thì điều quan trọng là phải dựng được một không gian âm nhạc, không gian văn hóa của ví, giặm. Đó không chỉ có sân khấu biểu diễn mà phải có chỗ để cho khán giả xem, có quầy bán hàng lưu niệm (chỉ bán, giới thiệu những hàng lưu niệm liên quan đến dân ca) như sách, đĩa, tranh ảnh… về dân ca ví, giặm. Làm thế nào để không gian đó đủ cho du khách thưởng thức dân ca, vừa giao lưu với các nghệ sĩ tạo sự gần gũi để khách du lịch có thể hiểu được giá trị của dân ca ví, giặm chính là sự mộc mạc, chân quê nhưng cũng rất tinh túy”, Nghệ sĩ ưu tú Trung Ninh - Trưởng đoàn dân ca, Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ cho biết.
Từng đi biểu diễn ở nhiều nơi, cả trong nước lẫn nước ngoài, thế nhưng khi biểu diễn dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh ngay chính trên quê hương của Người, chị Minh Thành, diễn viên Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ không khỏi bồi hồi, xúc động và xen lẫn niềm vinh dự: “Trong những ngày tháng 5 này, được biểu diễn trên quê hương Bác Hồ, không riêng bản thân tôi mà các anh chị em của trung tâm đều xúc động. Về với quê hương xứ Nghệ, chúng tôi muốn giới thiệu tới tất cả mọi du khách xem, nghe những làn điệu dân ca đặc sắc, để quảng bá cho du khách biết được dân ca ví giặm xứ Nghệ là như thế nào”.
Ông Nguyễn Hữu Bắc, Giám đốc Trung tâm lữ hành quốc tế TST Travel cho rằng: “Với vai trò là công ty lữ hành, chúng tôi sẵn sàng quảng bá, giới thiệu tới du khách về lịch biểu diễn dân ca ví, giặm tại Khu di tích Kim Liên, bởi như thế trong tour của chúng tôi lại có thêm một sản phẩm du lịch hấp dẫn. Và khi liên kết chặt chẽ với các tour của các công ty lữ hành thì chắc chắn các câu lạc bộ dân ca ví, giặm của Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ sẽ phát triển bền vững”.
Mới biểu diễn chưa đầy hai tuần nhưng anh chị em nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia rất phấn khởi và mong muốn được phục vụ lâu dài tại Khu di tích Kim Liên. Hiện nay, anh chị em nghệ sĩ đang biểu diễn bằng tâm huyết, trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, để dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tồn tại một cách bền vững, cần có những chính sách hỗ trợ nghệ nhân cao tuổi, đào tạo nghệ nhân trẻ, tạo điều kiện để các nghệ nhân có điều kiện phát huy năng lực.
Sắp tới, Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ sẽ đề xuất với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mở ra nhiều địa điểm biểu diễn cố định như: Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh; thị xã Cửa Lò và một số điểm di tích, danh lam thắng cảnh khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An để anh chị em nghệ sĩ tham gia biểu diễn và giới thiệu quảng bá cho dân ca ví, giặm ngày càng gần hơn với nhân dân và du khách.