Lần đầu tiên tại kỳ họp HĐND Thành phố Hà Nội đã đưa nội dung chất vấn liên quan đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn.
Khuê Văn Các (Gác văn sao Khuê) - Biểu tượng của Hà Nội và cũng là biểu trưng cho truyền thống hiếu học của người Việt
Trong phần báo cáo trước các Đại biểu HĐND thành phố, Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Văn Tứ cho biết Thành phố có kế hoạch hỗ trợ để thành lập 200.000 doanh nghiệp khởi nghiệp (start up). Bên lề kỳ họp ngày 2/8, Báo Hànộimới đã phỏng vấn Giám đốc Sở KH-ĐT để làm rõ hơn về vấn đề này.
Thưa ông, đâu là lý do để Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ phát triển được 200.000 doanh nghiệp khởi nghiệp?
Tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Chính phủ đã đặt mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020 cả nước quốc phấn đấu có 1 triệu doanh nghiệp đăng ký mới. Trên cơ sở phân tích tiềm năng, kế hoạch của Hà Nội, lãnh đạo Thành phố đặt ra mục tiêu phấn đấu trong 5 năm 2016-2020 Hà Nội có 200.000 doanh nghiệp đăng ký mới. Đây là nhiệm vụ, mục tiêu rất thách thức, bởi lẽ trong 5 năm tới, thành phố chúng ta tăng gấp hơn hai lần số lượng doanh nghiệp trên địa bàn, từ gần 200.000 doanh nghiệp hiện nay lên 400.000 doanh nghiệp.
Sở dĩ nói thách thức là ở chỗ, việc thành lập doanh nghiệp là quyền tự do của tổ chức, công dân và việc đăng ký nhiều hay ít phụ thuộc vào cơ hội kinh doanh do thị trường mang lại. Thêm nữa, cũng đặt ra cho các cơ quan nhà nước tiếp nhận hỗ trợ cho 200.000 doanh nghiệp ra đời là nhiệm vụ nặng nề! Mặt khác, bên cạnh số lượng, phải hỗ trợ nâng cao chất lượng doanh nghiệp này. Vì thế, thành phố đang tập trung xây dựng Đề án phát triển doanh nghiệp từ nay đến năm 2020.
Như ông vừa nói, con số 200.000 doanh nghiệp mới là rất lớn trong khi doanh nghiệp được thành lập dựa trên quyền của họ. Vậy thành phố có căn cứ vào đâu để "định vị" con số này?
Trên cơ sở tính toán đánh giá, chúng tôi có căn cứ xác định các đối tượng tiềm năng. Ở đây, đối tượng tiềm năng lớn nhất để thành chủ của 200.000 doanh nghiệp "nằm" trong số lượng 143.000 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động; tiếp đó "nằm" trong các HTX làng nghề, các hộ cá thể đang sản xuất kinh doanh tại làng nghề. Đặc biệt, là lực lượng trẻ có hoài bão kinh doanh, có kiến thức, năng động trong nền kinh tế thị trường. Đó chính là đối tượng tiềm năng.
Vậy để những "đối tượng" này thành chủ doanh nghiệp, thành phố chắc hẳn phải có giải pháp hỗ trợ. Vậy cụ thể là như thế nào?
Tôi cho rằng, chúng ta phải tiếp tục cải cách hành chính một cách mạnh mẽ, nếu không muốn nói là thực hiện cuộc cách mạng tạo thuận lợi, đơn giản cho việc thành lập doanh nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, thành phố quyết tâm xây dựng Đề án đơn giản hóa đăng ký thành lập doanh nghiệp trình Chính phủ (dựa trên nền Luật Đầu tư và Nghị định hướng dẫn thi hành luật này). Hướng thứ hai, quyết tâm chuyển đăng ký doanh nghiệp từ truyền thống bằng hồ sơ sang đăng ký qua mạng, rút ngắn thời gian đăng ký theo quy định từ 3 ngày xuống 2 ngày. Đó là cách thức để giúp doanh nghiệp thành lập một cách thuận lợi. Tiếp nữa, thành phố có chương trình nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ để thực sự các doanh nghiệp khi thành lập thấy được tinh thần phục vụ, tinh thần kiến tạo của CQNN, đặc biệt là cán bộ trực tiếp thừa hành.
Đó mới là giải pháp để hỗ trợ về lượng. Còn doanh nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ về "chất" để từ đó họ có thể tạo ra các phúc lợi xã hội?
Trong Đề án cũng nêu rõ vấn đề này cụ thể ở chỗ sau khi thành lập doanh nghiệp. thành phố sẽ tập trung thực hiện những giải pháp mà tôi gọi là "hỗ trợ hậu khởi nghiệp" chính là câu chuyện liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp được đào tạo, nâng cao kinh nghiệm quản trị năng lực kinh doanh mà như chúng ta đã thấy, các doanh nghiệp trong nước còn yếu. Vấn đề nữa là hỗ trợ các doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, vì phần lớn doanh nghiệp "cậy nhờ" vốn vay của các tổ chức tài chính, tín dụng.
Thứ ba, phải hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực quan trọng như đất đai. Thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được cơ hội kinh doanh do quá trình phát triển KT-XH tạo ra. Ngoài ra, có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ họ tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ CNTT để thành lập các doanh nghiệp có chất lượng, doanh nghiệp sáng tạo như Chình phủ mong muốn. Muốn làm được như vậy, chúng ta tiếp tục thực hiện các vấn đề kết nối ngân hàng, các chương trình CCHC khác làm sao để doanh nghiệp không chỉ thuận lợi trong quá trình gia nhập thị trường, mà còn được hưởng điều kiện thuận lợi từ các cơ quan nhà nước trong quá trình "hậu" khởi nghiệp để doanh nghiệp mới có tỷ lệ phát triển thành công ngày càng cao, cả quy mô phát triển và năng lực cạnh tranh nhất là trong bối cảnh kinh tế nước ta hội nhập khu vực và thị trường thế giới.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Việt Nga (Báo Hànộimới)