Một góc sân bay quốc tế Cam Ranh đang được xây dựng để trở thành 1 trong 5 sân bay quốc tế lớn của Việt Nam - Ảnh Anh Thư (chụp tại sân ngay Cam Ranh ngày 26.2) |
Theo nội dung điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không mới được phê duyệt, đến năm 2020 Việt Nam sẽ có thêm các đường bay liên vùng... đồng thời nghiên cứu mở các đường bay ra vùng biển đảo.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với nội dung khai thác toàn bộ 28 sân bay trên toàn quốc.
Khai thác hệ thống 28 sân bay
Theo nội dung được phê duyệt, khu vực quản lý chuyên ngành được phân bổ như sau:
Khu vực miền Bắc: có 7 sân bay gồm 4 sân bay quốc tế (Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Vinh) và 3 sân bay quốc nội (Điện Biên, Thọ Xuân, Đồng Hới).
Khu vực miền Trung: có 7 sân bay gồm 3 sân bay quốc tế (Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh) và 4 sân bay quốc nội (Chu Lai, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa)
Khu vực miền Nam: có 9 sân bay gồm 3 sân bay quốc tế (Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc) và 6 sân bay quốc nội (Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Phan Thiết, Côn Đảo, Rạch Giá, Cà Mau).
Quyết định trên cũng yêu cầu tập trung nghiên cứu, triển khai một số dự án trọng điểm mà cụ thể là nâng cấp, mở rộng 21 sân bay hiện hữu nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không gồm các sân bay Nội Bài, Cát Bi, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc, Điện Biên, Thọ Xuân, Đồng Hới, Chu Lai, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Côn Đảo, Rạch Giá, Cà Mau...
Bên cạnh đó là việc triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn 1 sân bay quốc tế Long Thành, đầu tư xây dựng mới các sân bay Vân Đồn, Phan Thiết, Sa Pa và các sân bay khác theo quy hoạch; phát triển, mở rộng đồng bộ các công trình cung cấp dịch vụ tại sân bay theo quy hoạch. Trong đó ưu tiên phát triển 3 trung tâm logistic chuyên dụng hàng không phục vụ các sân bay quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất
Quyết định còn khuyến khích phát triển hoạt động hàng không chung kết hợp với hoạt động vận chuyển hàng không thường lệ tại các sân bay đặc biệt là các sân bay có tiềm năng phát triển du lịch như Sa Pa, Vân Đồn, Đồng Hới, Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hòa, Liên Khương, Phan Thiết, Côn Đảo.
Dự kiến đến năm 2030, cả nước sẽ khai thác hệ thống 28 sân bay, gồm 15 sân bay quốc nội và 13 sân bay quốc tế, trong đó 5 sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành là cửa ngõ quốc tế lớn.
Mở rộng mạng đường bay
Đáng lưu ý, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2030 sẽ vào nhóm 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về sản lượng vận chuyển; phát triển đội máy bay theo hướng áp dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại; phát triển hệ thống cảng với công suất thiết kế đáp ứng nhu cầu vận chuyển và năng lực chuyên chở.
Mạng đường bay quốc tế đến năm 2020 sẽ tăng tần suất, tăng điểm khai thác, kết hợp khai thác giữa các điểm ở Việt Nam với khu vực. Bốn khu vực trọng tâm là Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc); Đông Nam Á (Campuchia, Singapore, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và nghiên cứu mở đường bay đến Philippines); Nam Á, Nam Thái Bình Dương và Trung Đông; đường bay liên lục địa (Pháp, Đức, Anh, Nga, Mỹ và các điểm khác ở châu Âu).
Mạng nội địa đến năm 2020 sẽ có thêm các đường bay liên vùng, đặc biệt không trung chuyển qua các cảng hàng không tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và nghiên cứu mở các đường bay ra vùng biển đảo Việt Nam.
Đội máy bay sẽ khai thác đạt trên 220 chiếc vào năm 2020 và trên 400 chiếc đến năm 2030.
Dự báo tổng thị trường vận chuyển hành khách tăng trung bình 16%/năm giai đoạn 2015-2020 và 8%/năm giai đoạn 2020-2030. Tổng thị trường vận chuyển hàng hóa tăng trung bình 18%/năm giai đoạn 2015-2020 và 12%/năm giai đoạn 2020-2030.
A.Thư / motthegioi