Với 489 đại biểu tham gia biểu quyết, có 449 đại biểu tán thành (chiếm 90,52%) thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chiều nay (9/1), Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kết quả, có 449/489 đại biểu có mặt tại hội trường biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết, chiếm 90,52%. Có 29 đại biểu không tán thành, 11 đại biểu không biểu quyết.
Theo Nghị quyết, giai đoạn 2031-2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 6,5-7,5%/năm. Đến năm 2050 GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 27.000-32.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70-75%.
Tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; quản trị xã hội trên nền tảng xã hội số hoàn chỉnh. Việt Nam thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Ảnh: Quốc hội).
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu chi tiết các nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý sau khi lấy ý kiến đại biểu Quốc hội.
Theo ý kiến đại biểu Quốc hội, phạm vi Quy hoạch chỉ nên thể hiện khái quát, mang tính chất định hướng và xác định phạm vi về không gian, những nội dung lớn, cốt lõi, có tính mở, không nên quá chi tiết.
Về vấn đề này, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch mang tính chiến lược, xác định việc tổ chức không gian phát triển của đất nước, có phạm vi ở cấp quốc gia, quốc tế.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát lược bỏ những nội dung quá cụ thể, chi tiết để cụ thể hóa ở các quy hoạch cấp dưới, bảo đảm "bao quát, ngắn gọn".
Về tầm nhìn, theo dự thảo, đến năm 2050, Việt Nam sẽ phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái giá trị cao đứng hàng đầu thế giới, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại. Tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sửa đổi thành "phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái giá trị cao thuộc nhóm hàng đầu thế giới".
Cũng theo dự thảo, Việt Nam sẽ phát triển các vùng động lực quốc gia bao gồm: Vùng động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); Vùng động lực phía Nam (TPHCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu); Vùng động lực miền Trung (khu vực ven biển Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi) và vùng động lực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại phiên thảo luận ở hội trường, một số đại biểu đề nghị bổ sung vùng động lực phát triển Thanh Hóa, Nghệ An kết nối miền Trung và Đồng bằng sông Hồng; bổ sung Ninh Thuận, Bình Thuận để làm rõ vùng động lực khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; bổ sung hành lang Bờ Y - Đà Nẵng - Quảng Nam, hành lang Nam Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa.
Với nội dung nêu trên, ông Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và thể hiện tại Điều 3 dự thảo Nghị quyết.
Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung nội dung Chính phủ chịu trách nhiệm và bảo đảm tính chính xác về thông tin, số liệu của hệ thống bản đồ, sơ đồ và cơ sở dữ liệu về Quy hoạch tổng thể quốc gia trước và sau khi trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy định của pháp luật. Nội dung này cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, thể hiện trong dự thảo Nghị Quyết.
Còn đối với đề nghị tính toán lại tỷ lệ đô thị hóa đạt 70-75% đề xuất trong tầm nhìn đến năm 2050, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam là 50% để phù hợp với mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao đã được xác định tại Chiến lược phát triển.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 2021, tỷ lệ đô thị hóa trung bình của các nước thu nhập cao đã đạt tới 81,5%. Đồng thời, theo dự báo của Liên Hợp Quốc tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tỷ lệ đô thị hóa trung bình của thế giới đến năm 2050 ở mức từ 68% đến 80%.
"Như vậy, việc đặt mục tiêu đô thị hóa Việt Nam đến năm 2050 đạt từ 70% đến 75% là phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam cũng như xu thế của thế giới", ông Thanh cho biết.
Một số đại biểu rằng việc xác định 2 vùng động lực gắn với 2 cực tăng trưởng TPHCM và TP Cần Thơ là chưa hợp lý vì hai địa phương này ở gần nhau và cùng ở phía Nam.
Với nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế giải thích, TPHCM và thành phố Cần Thơ tuy có khoảng cách tương đối gần nhau nhưng tính chất lan tỏa của các cực tăng trưởng lại khác nhau. Mặt khác, trong giai đoạn đến năm 2030 hình thành cực tăng trưởng thành phố Cần Thơ mang tính chất dẫn dắt lan tỏa để sau năm 2030 từng bước mở rộng vùng động lực đồng bằng sông Cửu Long gắn với cảng biển Trần Đề (Sóc Trăng).