Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đặt mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ đầu tư khoảng 2.500 km đường cao tốc, tập trung ưu tiên vào các đoạn cao tốc Bắc Nam phía Đông, các tuyến ở khu vực vùng Thủ đô Hà Nội, TPHCM và các tuyến nối với các cảng biển, cửa khẩu quốc tế.
Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Anh Quân
Theo báo cáo tiến độ thực hiện các dự án đường cao tốc của Vụ Kế hoạch Đầu tư thuộc Bộ GTVT tại cuộc họp ngày 9-3 của bộ này, tính đến nay đã hoàn thành, đưa vào khai thác 746 km đường cao tốc gồm 12 tuyến, tập trung ở phía Bắc: Đại lộ Thăng Long (30km); Liên Khương - Đà Lạt (19km); Pháp Vân - Cầu Giẽ (30km); Cầu Giẽ - Ninh Bình (50km); đường vành đai 3 Hà Nội đoạn Phù Đổng - Mai Dịch (28km); Hà Nội - Lào Cai (264km); Hà Nội - Thái Nguyên (62km); Hà Nội - Hải Phòng (105km); Hà Nội - Bắc Giang (46km); TPHCM - Trung Lương (40km); TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (51km) và tuyến nối Nội Bài - Nhật Tân (21km).
Tổng kinh phí đầu tư 12 đoạn này là 173.422 tỉ đồng.
Các dự án đang thi công có tổng chiều dài 525 km gồm 9 tuyến: La Sơn - Túy Loan (66km); Đà Nẵng - Quảng Ngãi (127km); Bến Lức - Long Thành (57,8 km); Hòa Lạc - Hòa Bình (26km); Thái Nguyên - Bắc Kạn (40km); Trung Lương - Mỹ Thuận (51km); Bắc Giang - Lạng Sơn (64km); Hạ Long - Vân Đồn (59km); Hải Phòng - Quảng Ninh (25km). Tổng kinh phí đầu tư các đoạn cao tốc này là 133.492 tỉ đồng.
Bên cạnh các dự án đang thi công, hiện tại Bộ GTVT đã xác định được nguồn vốn để đầu tư 5 dự án với tổng chiều dài 160 km, gồm: Vành đai 3 Hà Nội đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn thành phố Lạng Sơn đến cửa khẩu Hữu Nghị; cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết; cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; và đường vành đai 3, TPHCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch.
Với 11 đoạn, tuyến còn lại, dự kiến sẽ được đầu tư theo hình thức BT, BOT có sự hỗ trợ của Nhà nước. Các tuyến cụ thể gồm: Mỹ Thuận - Cần Thơ; Ninh Bình – Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn – Vinh; Vinh - Hà Tĩnh; Hà Tĩnh (nút Hàm Nghi) - Vũng Áng; Cam Lộ - La Sơn; Dầu Giây - Tân Phú; Bảo Lộc - Liên Khương; Biên Hòa - Tân Thành; Nội Bài - Bắc Ninh.
Tổng chiều dài các đoạn tuyến tiếp tục đầu tư theo hình thức BT là 102 km, đầu tư theo hình thức BOT là 541km với tổng kinh phí đầu tư ước tính 109.514 tỉ đồng.
Riêng các tuyến cao tốc liên vùng kết nối từ các tỉnh về Thủ đô Hà Nội và TPHCM sẽ ưu tiên đầu tư các đoạn: Tân Phú - Bảo Lộc; Nha Trang - Phan Thiết; Tân Thành - Vũng Tàu; TPHCM - Mộc Bài; Đoan Hùng - Phú Thọ; Cổ Tiết - Làng Văn Hóa (Hòa Lạc); và Mỹ An (Đồng Tháp) - Rạch Sỏi (An Giang).
Bộ GTVT đặt mục tiêu từ nay đến hết năm 2017 toàn bộ các dự án sẽ được khởi công để đến năm 2020 sẽ hoàn thành 2.500 km đường cao tốc.
Trước đó, hồi đầu tháng 3, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo bản quy hoạch này, đến năm 2030 Việt Nam sẽ có 6.411 km đường cao tốc.
Theo đó , sẽ hình thành hai tuyến cao tốc Bắc – Nam với tổng chiều dài khoảng 3.083 km. Trong đó, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng chiều dài 1.814 km; tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây tổng chiều dài là 1.269 km.
Tại khu vực phía Bắc sẽ có 14 tuyến cao tốc kết nối từ các tỉnh về Thủ đô Hà Nội, với tổng chiều dài 1.368 km. Khu vực miền Trung và Tây Nguyên có ba tuyến với tổng chiều dài 264 km. Còn khu vực phía Nam gồm bảy tuyến với tổng chiều dài 983 km.
Lê Anh / thesaigontimes.vn